Tìm kiếm
Lượt truy cập
- Tổng truy cập35,126,553
Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam
Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.
*Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...
Arita Rivera Đà Nẵng Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh vô cùng thơ mộng, lãng mạn. Tiện nghi hoàn hảo, hiện đại.
Khung cảnh vô cùng thơ mộng, lãng mạn. Tiện nghi hoàn hảo, hiện đại.
Chủ khách sạn là cặp vợ chồng: Triệu Thế Hiệp - Giám đốc điều hành Công ty Đông Tây Promotion, chuyên sản xuất các chương trình Truyền hình cho VTV & HTV- và Phạm Thành Hiền Thục - Tiến sỹ Đại học Queensland Australia, đang sống & làm việc tại Australia.
Chỉ có thể là ARITA RIVERA: Vẻ đẹp Hoàn hảo!
WELCOME TO ARITA RIVERA
Located near the romantic Han River, with an architectural style heavily inspired by French architecture, Arita Rivera is truly one of the classy boutique hotels in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable, with free Wifi, 24/7 room service and complimentary afternoon tea, etc. to be suitable for visitors to the resort. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations, and a place for all those who enjoy taking photos to experience when coming to Da Nang.
The Arita Bar - Restaurant on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River.
Visitors can relax at the swimming pool at the top of the building or the Arita Spa on the 2nd floor of the hotel.
Enjoy life, enjoy Arita experience!
Đọc nhiều nhất
- Phạm Hổ - Thơ viết cho nhi đồng
- Người của giang hồ (5): Lâm Chín ngón
- Thuật quan sát người (4)
- Người của giang hồ (11): Hải bánh
- Người của giang hồ (8): Huỳnh Tỳ
- Thuật quan sát người (2)
- Vài nét về tục Cúng Mụ, đầy tháng, thôi nôi
- Vài tư liệu về Tục thờ Thánh Mẫu
- Chùm thơ về Tây Nguyên
- Chuyện Sọ Dừa
Tiểu thuyết
NGÔN NGỮ
Nhà nội trú. Nhà già. Nơi trú ngụ cuối cùng của tôi, bến đỗ cuối cùng của tôi.
Chấm hết. Ngõ cụt. Tôi chép vào vở những động từ bất thường tiếng Anh. Ngoài hành
lang xe cút kít chở đi một xác chết. Các ông lão bà lão bàn về thực đơn ngày mai. Tôi
chép vào vở những động từ bất thường tiếng Anh. Các bạn tàn tật cùng tuổi với tôi tổ
chức cuộc họp đoàn thanh niên cộng sản. Ở đại sảnh ông chủ nhiệm nhà già bắt đầu bài
diễn văn chào mừng lần thứ bao nhiêu đấy cuộc Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa Tháng
Mười vĩ đại. Tôi chép vào vở những động từ bất thường tiếng Anh. Một ông lão, cựu tù,
trong cuộc nhậu nhẹt lần thứ n ở nhà già dùng nạng nện thủng đầu bạn cùng phòng.
Một bà lão cựu chiến sĩ thi đua treo cổ trong tủ tường. Một bà lão ngồi xe lăn uống cả
vốc thuốc ngủ để rời bỏ cái thế giới đúng đắn của bà. Tôi chép vào vở những động từ
bất thường tiếng Anh.
Tất cả đều đúng đắn. Tôi không phải là người. Tôi không xứng đáng được hưởng
hơn cái phúc phận mà tôi có, tôi đã không thành người lái máy kéo hay nhà bác học.
Người ta nuôi tôi vì thương hại. Mọi sự đều đúng đắn. Thế là phải. Đúng đắn, đúng
đắn, đúng đắn, đúng đắn.
Chỉ những động từ bất thường là không đúng đắn. Chúng ngang ngạnh nằm vào
cuốn vở giữa tiếng sột soạt của những âm nhiễu trên sóng truyền thanh. Tôi nghe
những động từ không đúng đắn của cái tiếng Anh không đúng đắn. Người đọc chúng
là một phát thanh viên không đúng đắn của nước Mỹ không đúng đắn. Là một con
người không đúng đắn trong một thế giới đúng đắn từ trong ra ngoài, tôi cần mẫn học
tiếng Anh. Tôi học là học thế thôi, học chỉ cốt để khỏi phát điên, để khỏi trở thành đúng
đắn.
CÂY GẬY
Nhà già. Một chốn khủng khiếp. Bất lực và tuyệt vọng làm cho con người thành
cằn cỗi, một cái mai rắn chắc úp chụp lên tâm hồn họ. Họ, người nào cũng như người
nào, chẳng còn có thể ngạc nhiên trước bất cứ điều gì. Nó thế đấy - cuộc sống bình
thường trong một nhà tế bần bình thường.
Bốn bà bảo mẫu đang đẩy xe cút kít đựng quần áo. Ngồi trong xe là một ông lão
la hét rầm rĩ. Lão sai lè lè. Lỗi là ở lão. Hôm qua lão bị gãy chân, và bà y tá chủ nhiệm
nhà già đã ra lệnh chuyển lão lên tầng ba. Chuyển một người gãy chân lên tầng ba
ngang bằng tuyên án tử hình người ấy.
Được ở lại tầng hai có những bạn rượu của lão, hoặc những người chỉ quen sơ
của lão. Ở tầng hai thức ăn được mang đến đều đặn, lại được các bà bảo mẫu đổ bô.
Những bạn đi lại được có thể gọi bác sĩ đến hoặc nhờ bảo mẫu ra cửa hàng mua hộ bánh
quy. Ở tầng hai lão có thể được bảo đảm sống sót với đôi tay khoẻ mạnh, có thể trụ
được cho đến khi cái chân lành, cho đến khi tên lão lại được điền vào danh sách những
kẻ đi lại được, cho đến khi người ta để tên lão trong danh sách những người còn sống.
Lão hét lên, nói về những chiến công trước kia của lão ngoài mặt trận, thâm niên
bốn mươi năm thợ mỏ. Lão nạt nộ, doạ khiếu nại lên cấp trên. Chìa hai bàn tay run rẩy
về phía mấy bà bảo mẫu, lão giơ cho họ xem cả nắm huân chương và huy chương của
lão. Lão mới ngớ ngẩn làm sao! Ai người ta thiết ba cái thứ rổn rảng ấy cơ chứ.
Chiếc xe cút kít tự tin lăn về phía thang máy. Mấy bà bảo mẫu chẳng buồn nghe
lão. Họ dửng dưng làm công việc của họ. Tiếng la hét của lão đuối dần, lão đã thôi nạt
nộ. Cố bám chằng chằng lấy cuộc sống chẳng còn dùng để làm gì của mình, giờ đây lão
chỉ còn có nước van xin họ. Lão van họ đừng đưa lão lên tầng ba đúng ngày hôm nay,
mà gượm cho lão vài ba hôm. “Chân tôi lành mau ấy mà, rồi tôi sẽ lại đi được thôi mà”,
- lão cựu thợ mỏ kêu gọi lòng thương của mấy bà bảo mẫu một cách vô ích. Lão oà lên
khóc. Trong khoảnh khắc, trong một khoảnh khắc rất ngắn ngủi, lão chợt nhớ ra trước
kia lão từng là một người. Nhưng đôi tay già yếu chống thế nào được bốn mụ đàn bà
lực lưỡng? Và thế là ông lão rền rĩ mếu máo bị đẩy tuột vào thang máy. Xong. Đã tồn tại
một con người. Và không có nó nữa.
Khách trọ trong nhà già rơi vào đây bằng nhiều đường khác nhau. Người thì do
bà con thân thuộc chở đến, người thì quá mệt mỏi trong cuộc vật lộn với gánh nặng của
cuộc sống tự do, tự mình dẫn xác đến. Ở nhà tế bần chỉ có đám cựu tù cảm thấy thoải
mái hơn cả, tự tin hơn cả. Những tay cựu tù trải đủ mùi đời gót rỗ kỳ khu chẳng tạo ra
được nhà cửa, gia đình trong cuộc sống tự do, mãn hạn xong là rông thẳng một lèo đến
nhà già.
Từ sáng đã có tiếng ồn ào, la hét. Mấy bà bảo mẫu chửi rủa thậm tệ một ông lão
vóc hạc lăng xăng. Các bà chửi cũng bằng thừa. Lão già chẳng hề muốn họ phải thêm
công thêm việc, thật sự là như vậy.
Mọi chuyện như mọi ngày. Lão già chơi bài với ông bạn cùng phòng, họ uống
rượu với nhau. Không biết tại canh bạc đen hay tại lão hàng xóm định giở trò bịp, mà
lão ta dùng gậy phang một phát vào đầu ông bạn rượu, đến nỗi máu me lênh láng đầy
phòng, cả phòng vệ sinh, nơi người tù khổ sai nạn nhân lết đến, cả một quãng hành lang
từ phòng bệnh cho tới phòng vệ sinh cũng bê bết máu. Lão không muốn làm bẩn sàn,
không, lão không muốn thế, nhưng sự đời nó lại sinh ra vậy.
Lão già còm nhom vừa đặt chân đến nhà già lập tức đổ chì vào cây gậy của lão,
một cây gậy nhôm bình thường lão dùng để chống. Thâm niên ba mươi năm tù dạy lão
phải biết tự lo lấy thân mình. Có một cây gậy nặng trong tay không thừa một khi xảy ra
ẩu đả. Lão yêu quý món binh khí của lão. Lão muốn có trong tay một bảo đảm tuyệt đối
cho sự bất khả xâm phạm cá nhân của lão. Lão thành thật xin mọi người tha lỗi cho lão
vì cái sàn bê bết máu. Người ta tha lỗi cho lão, nhưng để khỏi xảy ra lần nữa mọi tội nợ,
người ta chuyển quách lão qua một phòng riêng.
Bao giờ cũng vậy, tảng sáng là các bà bảo mẫu đã ỏm tỏi. Mọi sự đều bình
thường, chẳng có gì ghê gớm. Lão cựu tù vừa bị chảy máu não. Chảy máu não đương
nhiên là chuyện nghiêm trọng. Khi lão tỉnh dậy thì một nửa người đã không còn tuân
lệnh phần não bị hư hại nữa. Tay phải lủng lẳng, chân phải thì nặng như cối đá. Một nụ
cười nửa mặt và bản án kinh hoàng – lên tầng ba. Bà y tá chủ nhiệm chạy lăng xăng, ra
lệnh. Mấy bà bảo mẫu đã ăn sáng, họ vui vẻ nhưng đủng đỉnh thực hiện ý thủ trưởng.
Chẳng đi đâu mà vội – lão có chạy đàng trời.
Nhưng lão cựu tù lại không vội vã đi sang thế giới bên kia. Lão chưa chán ánh
mặt trời, lão chưa uống xong phần rượu của lão. Lão thở hồng hộc, tay trái nắm chặt cây
gậy, lão nằm, và lão đợi.
Các bà bảo mẫu kéo đến. Họ ngạc nhiên nhìn lão với cây gậy giơ cao.
Lão quắc mắt lên nhìn mấy bà bước vào phòng. Không để cho họ kịp định thần,
lão cất tiếng. Cái nhìn trầm sắc của con thú cùng đường, cây gậy nặng không rung trong
tay con người gần đất xa trời:
- Gì thế hử? Chúng bay đến đưa tao đi đấy phỏng, mấy con chó cái kia? Nào,
chúng bay lại đây. Mày đầu tiên hử? Hay là mày? Tao đập cho mày vỡ sọ, tao hứa như
thế. Tao không giết, tao chỉ làm cho thân tàn ma dại thôi.
Lão nhìn thẳng, tự tin. Lão biết lão không có đường rút. Lão, một người bị liệt, có
thể làm gì được bốn mụ nhà quê khoẻ mạnh cơ chứ? Mấy con mụ ấy có thể ùa vào một
lượt, tước của lão cây gậy. Có điều chẳng bà nào muốn là người đầu tiên hết. Các bà sợ
bị tàn phế, các bà sợ cây gậy. Thằng tù hình sự ấy, nó làm thật đấy, chẳng phải chơi.
Không một giây lưỡng lự, các bà bỏ ra ngoài. Bà y tá chủ nhiệm chạy lăng xăng
trong hành lang, bà quát tháo, bà năn nỉ, nhưng làm cách gì cũng vô ích. Mấy bà bảo
mẫu bảo bà cứ tự mình vào phòng mà tước cây gậy của lão.
Bà chủ nhiệm tức điên vì bất lực, bèn gọi công an khu vực.
Ông công an khu vực chững chạc, đã có tuổi, vài năm nữa là về hưu. Nghe gọi
khẩn cấp, ông ta đến ngay, tác phong nhà binh, súng lục trong bao da kè kè.
Bước vào phòng người cựu tù, ông công an ngó kẻ phá hoại trật tự công cộng.
Trên giường là một lão già gày khô, tay cầm cây một cây gậy không hiểu dùng để làm
gì.
- Anh phá hoại trật tự công cộng đấy hử?
- Đâu có, thưa thủ trưởng, trật tự nào cơ ạ? Thủ trưởng không thấy em co quắp cả
người đây à?
Ông công an cúi xuống nhìn người bệnh, ông lật tấm ga đắp.
- Họ đã mời bác sĩ đến xem cho anh chưa?
- Bà y tá đến rồi ạ, bà ấy tiêm cho em một mũi rồi đấy ạ.
- Thế họ còn cần gì ở tôi?
Bà y tá chủ nhiệm chen ngang cuộc đối thoại:
- Đồng chí cứ thu cái gậy của hắn cho tôi, mọi việc còn lại chúng tôi khắc làm.
- Này, bà công dân, bà ra ngoài kia, đừng có cản trở công việc điều tra – ông công
an sẵng giọng.
Khép hờ cửa phòng, ông kéo ghế lại gần giường bệnh.
- Ngay cả các ông công an trại cũng không dữ như mấy mụ này, thưa thủ trưởng.
– lão cựu tù phân trần - Chả là họ muốn chuyển em lên tầng ba, ở đó có phòng cho lũ
xác ve đấy ạ.
- Vì lỗi gì?
- Ai biết được, thưa thủ trưởng? Đàn bà ấy mà…
- Hừm, đàn bà… - ông công an khu vực tư lự nhắc lại – Tôi cũng chẳng hiểu được
họ, các bà ấy.
Hai người im lặng một lát.
Ông công an khu vực đứng lên, đi ra.
- Nghe đây, các bà. Với kẻ mà các bà phải trông nom, tôi đã có một cuộc nói
chuyện nghiêm chỉnh mang tính giáo dục. Hắn hứa hắn chừa, từ nay về sau không dám
vi phạm trật tự công cộng nữa. Nếu hắn còn gây ra chuyện gì nghiêm trọng, các bà
đừng lo, chúng tôi sẽ đến ngay, sẽ lập biên bản và buộc hắn phải nghiêm chỉnh tuân
hành pháp luật.
Sửa lại cái mũ bình thiên cho ngay ngắn, ném cho các bà cái nhìn không mấy
thiện cảm, ông ta sải bước về phía cửa.
Vậy mà rồi lão ta bình phục hẳn sau tai biến mạch máu não đấy. Không biết nhờ
cái gì – những phát tiêm của bà y tá nhân từ hay nỗi khát sống đã kéo lão trở về từ cõi
chết, nhưng lão dần dần hồi phục, bắt đầu ngồi lên được, rồi đứng lên được. Cứ thế lão
lại đi đi lại lại trong nhà già, tự tin chống cây gậy trong tay trái. Cây gậy của lão nặng,
tốt, một vật dụng tuyệt vời, đáng tin cậy.
NGƯỜI ĐÀN BÀ TỘI LỖI
Nhà già. Ngày từ từ chảy vào đêm. Đêm êm ru chuyển thành ngày. Bốn mùa đan
xen nhau, thời gian trôi. Chẳng có chuyện gì xảy ra, chẳng gì có thể làm người ta ngạc
nhiên. Vẫn những gương mặt ấy, vẫn những cuộc đối thoại ấy. Thỉnh thoảng lắm một
thực tế quen thuộc mới chợt thức giấc, làm loạn xì ngầu mọi thứ, để rồi từ đó bật ra một
cái gì không bình thường, là cái vốn không ấm chỗ trong những khái niệm đơn giản và
quen thuộc.
Bà sống trong nhà già, bà vẫn ở đó có dễ từ khi nó được thành lập. Bà khép nép,
bà khiêm tốn, một con người bé nhỏ trong một thế giới rộng lớn và tàn bạo. Một người
đàn bà bé tí tẹo. Bà không cao hơn một đứa trẻ lên năm. Đôi tay và đôi chân tí xíu của bà
được buộc lỏng lẻo bởi những khớp xương mảnh dẻ làm bà không đi được. Nằm sấp
trên một mảnh ván thấp gắn vòng bi, bà dùng hai chân đạp vào nền nhà để di chuyển.
Bà làm việc trong phân xưởng phục vụ tang lễ. Trong ngôi nhà hèn mọn của
chúng tôi có một phân xưởng có tên gọi như thế. Các bà lão ở nhà già làm đồ trang trí
quan tài, những vòng hoa giả và đủ mọi thứ đồ giả khác cho hết thẩy người chết trong
cái thị trấn nhỏ bé. Mua vòng hoa ở xưởng của nghĩa trang cũng được, nhưng mọi
người lại cứ nghĩ rằng mua ở đó vừa đắt hơn, lại vừa không có sự kính trọng xứng đáng
đối với những đồ vật tế nhị và có nhiều ý nghĩa. Năm này qua năm khác, bà lão làm ra
những bông hoa xinh xắn, kỹ lưỡng, dùng để cài vào những vòng hoa tang – biểu hiện
kính trọng sự chăm chút tình cảm đối với người đã khuất.
Không ai bắt nạt bà lão bất hạnh, nhân viên nhà già cũng chẳng để ý đến mảnh
ván trượt chậm chạp trong hành lang. Bà không nhờ vả ai, tự mình trượt đến phòng vệ
sinh, đến phòng ăn. Lũ bợm rượu thỉnh thoảng lại làm cho cư dân ngôi nhà làm phúc
một phen khiếp vía cũng không nỡ động tới sinh vật hiền lành một cục nọ.
Bà lão sống như vậy. Ban ngày làm hoa giả cho người chết, tối đến ren khăn bàn
hoặc thêu khăn ăn. Cứ thế, ngày này qua ngày khác, năm này qua sang năm khác. Bà
sống bình thường như mọi người. Dần dà bà lão cải tạo căn phòng nhỏ, làm cho nó
thích ứng với cỡ người khiêm tốn của bà. Một cái đệm trải trên sàn, một cái bàn thấp tè,
một cái ghế con con như kiểu để dùng cho búp bê, những chiếc khăn ăn ren, những cái
gối thêu tí tẹo.
Bà lão sống lâu, quá lâu. Bà lão đã gần năm mươi. Bà ở cũng đã quá lâu rồi. Sau
một cuộc họp thường kỳ, ban quản trị nhà già quyết định đã đến lúc phải đưa bà lên
tầng ba. Một biện pháp bình thường, theo kế hoạch đã định. Là nhịp điệu công tác bình
thường của một cỗ máy được thiết kế chu đáo, không hơn. Ở trên tầng ba, bà được đặt
lên một cái giường to bình thường cùng với ba kẻ da bọc xương và để bà ở đó chờ chết.
Người ta tước đi của bà thậm chí cái tài sản duy nhất mà bà có, là sự tự lo cho mình,
không cần nhờ vả ai.
Suốt cuộc đời dài dằng dặc, bà lão sống lặng lẽ, không bao giờ xin xỏ ban quản trị
một thứ gì, thế mà giờ đây bỗng dưng bà làm đơn xin được gặp chủ nhiệm. Bà ngồi
hàng giờ chờ đến lượt mình được tiếp, để rồi đến lúc được hưởng cái quyền của mình
theo luật định thì khóc lóc xin ban quản trị đừng đuổi bà khỏi căn phòng của bà, vật nài
họ cho phép bà được sống nốt những ngày tàn trong khung cảnh quen thuộc. Người ta
lắng nghe bà nói hết, tất nhiên, rồi cũng tất nhiên, họ từ chối bà, sau đó thì kiên quyết
tống bà ra khỏi hàng những người chờ đợi được gặp cấp trên.
Đêm trước ngày bị chuyển lên tầng ba theo kế hoạch, bà lão treo cổ trên nắm đấm
cửa phòng. Một người đàn bà tội lỗi1
.
VIÊN SĨ QUAN
Một cư dân mới đến nhà già. Một người đàn ông to lớn, không chân, trên một cái
xe lăn thấp. Ông ta tự tin nhìn quanh và chầm chậm cho xe chạy vào trong khu nhà.
Không cần ai chỉ, ông tự biết mọi đường đi lối lại. Không vội vã, ông đi một vòng ngôi
nhà ba tầng của chúng tôi, hết khu vực này đến khu vực khác. Bắt đầu từ nhà ăn. Lúc đó
vào giờ ăn trưa. Ông liếc qua xem ở đây người ta cho ăn uống ra sao, buồn bã mỉm cười,
nhưng không ăn. Đi thang máy lên tầng ba - tầng của tử tội, khu của bọn “xác ve”.
Không hoảng hốt, không cuống quýt, ông rẽ vào từng phòng để quan sát. Không ghê
tởm bịt mũi, không quay mặt đi trước sự thật. Ông trông thấy những lão già kiệt lực
nằm bất động trên giường, ông nghe thấy những tiếng rên la. Sẩm tối, ông trở về căn
phòng được phân cho mình, nằm lên giường.
__
1 Tự sát bị coi là trọng tội theo luật đạo Chính thống.
Một căn phòng tốt trên tầng hai. Với một người ở chung. Trên cửa phòng có gắn
một tấm biển đẹp với hàng chữ: “Phòng của cựu chiến binh Chiến tranh Vệ quốc Vĩ
đại”. Điều kiện sống ở đây bình thường. Có thể đến phòng ăn ngày ba lần, nhà bếp dọn
gì ăn nấy, buổi tối xem tivi cùng mọi người. Một phần lương hưu của ông thừa đủ để
trang trải những nhu cầu không phức tạp của người già – trà, thuốc lá, bánh quy. Nếu
muốn thì tha hồ mua vodka về uống tay đôi với bạn cùng phòng, bù khú chuyện quá
khứ, kể cho nhau biết trước kia mình là người thế nào, đã chiến đấu và chiến thắng ra
sao, mà nhất định phải là chiến thắng kia, bao giờ cũng vậy. Có thể làm được chuyện đó
chừng nào đôi tay còn đủ sức đẩy cái xe lăn đến phòng vệ sinh, chừng nào cuộc sống
còn đủ cho cuộc vật lộn hàng ngày để được tự coi mình là người.
Buổi tối hôm ấy họ không có rượu. May mà ông bạn cùng phòng lại là một ông
già dễ tính. Hoàn toàn khuất phục cuộc sống nhà nước, ông lão ít lời nọ suốt cả buổi tối,
và cả nửa buổi đêm nữa, kiên nhẫn nghe chuyện người mới tới. Bằng giọng cán bộ chỉ
huy, con người cụt hai chân kể cho ông lão nghe tường tận cuộc đời mình. Nhưng
chuyện gì thì chuyện, rốt cuộc rồi cũng dẫn tới chuyện trong chiến tranh ông ta là một sĩ
quan trinh sát hậu tuyến1
.
Những sĩ quan trinh sát hậu tuyến. Những chiến sĩ vượt qua nhiều gian lao thử
thách, những chiến sĩ dũng cảm, ưu tú nhất trong những chiến sĩ ưu tú, những con
người cực kỳ ưu tú. Lớp tinh hoa của xã hội. Vượt qua những hàng rào mìn họ đi sâu
vào trong lòng địch. Không phải tất cả những người ra đi đều trở về. Người nào trở về
được thì lại tiếp tục đi vào hậu cứ của địch lần nữa, rồi lại lần nữa. Chiến tranh là chiến
tranh. Họ không chạy trốn cái chết, họ thực hiện công tác, trên ra lệnh làm gì họ làm
nấy. Cái chết không phải là cái tồi tệ nhất mà con người có thể gặp. Cái mà những trinh
sát hậu tuyến sợ nhất là bị bắt làm tù binh. Đó là nỗi xấu hổ, sự bất lực, nỗi đau đớn bị
hạ nhục. Trong hàng ngũ các chiến sĩ trinh sát hậu tuyến không có tù binh, không có
thương binh. Theo điều lệnh, người làm chậm bước tiến của toàn đội phải tự sát. Một
điều lệnh đúng đắn. Cái chết của một người tốt hơn cái chết của mọi người. Một người
tự sát, những người còn lại sẽ tiếp tục tiến bước để đánh bại kẻ thù, thực hiện nhiệm vụ.
Trả thù cho đất nước, trả thù cho đồng đội đã hy sinh, cho những ai tự nguyện rời bỏ
cuộc sống vì sự nghiệp chung. Nếu như vết thương quá nặng, người lính không tự bắn
mình được, thì bên cạnh anh ta bao giờ cũng có một người bạn buộc lòng phải giúp anh
ta thực hiện việc đó. Một người bạn chân chính, không phải một anh chàng ba hoa,
không phải một ông bạn rượu, hoặc ông hàng xóm. Người chiến sĩ không phản bội là
người chia sẻ với đồng đội mẩu bánh cuối cùng, viên đạn cuối cùng.
Viên sĩ quan kể, kể mãi. Chuyện ông vấp phải mìn. Chuyện ông đã van xin bạn:
“bắn tao đi!”. Ông gặp nạn không xa chiến tuyến, bạn ông kéo ông về được chỗ quân ta,
mươi cây số chưa phải là quá sâu trong hậu cứ. Chuyện suốt đời ông sợ trở thành gánh
nặng cho mọi người, ông đã làm việc trong một hợp tác xã, khâu những đồ chơi mềm,
__
1 Cán bộ tình báo được cử vào hoạt động trong lòng địch.
những con gấu, con thỏ bằng vải bông. Ông đã lấy vợ, nuôi các con khôn lớn. Các con
ông ngoan cả, nhưng chúng nó cần gì đến ông bố không chân.
Gần sáng, viên sĩ quan tự cứa cổ bằng một con dao nhíp. Ông cứa lâu. Con dao
nhỏ, cùn. Ông bạn bất hạnh cùng phòng không nghe thấy gì hết trong giấc ngủ chập
chờn của người già. Không một tiếng động nào, không một tiếng rên.
Viên sĩ quan trinh sát hậu tuyến đã chết. Chết một cách đúng đắn, theo điều lệnh.
Bên cạnh ông chỉ thiếu một người bạn chân chính, người có thể hút với ông điếu thuốc
lá cuối cùng, đưa cho ông khẩu súng lục và ý tứ tránh sang một bên để khỏi làm phiền
ông. Không một người bạn bên mình, không có. Tiếc thật.
VÚ EM
Các cụ bà thường quy tiên vào mùa xuân. Các cụ chết bất kể mùa nào, chết
thường xuyên, nhưng cứ đúng vào xuân là y như rằng các cụ bà xuôi tay nhiều nhất.
Xuân đến, phòng ốc ấm lên, xuân mở toang mọi cánh cửa, không khí tươi mát ùa vào
thế giới tù đọng của nhà già. Xuân đến là cuộc đời lên hương. Suốt mùa đông, các cụ bà
ương ngạnh bám riết lấy cuộc sống, các cụ chờ xuân đến để thư dãn, xuân đã đến rồi thì
các cụ mặc cho thiên nhiên muốn làm gì thì làm, các cụ bình thản từ giã cõi đời. Ở nhà
già số cụ ông ít hơn nhiều. Các cụ ông chết là chết, bất luận sự đổi thay của trời đất là
thế nào. Chẳng cần chờ đến mùa xuân các cụ mới ra đi. Đời mà không chịu chiều thêm
các cụ nữa – không cho các cụ một chai rượu hoặc một đĩa thức nhắm ngon chẳng hạn -
tức thì các cụ xuôi tay phắt ngay sang thế giới bên kia.
Tôi ngồi ngoài sân. Ngồi một mình. Tôi không buồn, hoàn toàn không một tí nào.
Tôi ngắm cảnh xuân. Tôi trẻ, tôi tin tôi còn sống trên thế gian này không phải chỉ một
năm nữa. Đối với tôi, mùa xuân không có ý nghĩa như với người già.
Một người xuất hiện ở cửa. Một cụ bà rất già đang đi, hai tay vịn trên tựa ghế.
Bằng một động tác mạnh và quả quyết cụ nhổm lên, trong khoảnh khắc cụ đứng hẳn lên
trên đôi chân, lấy hai tay đẩy cái ghế ra phía trước vài phân. Sau đó, nặng nhọc tì lên
ghế, cụ lết đôi chân lại gần cái ghế. Nhìn quanh không thấy ngoài sân có ai quen, cụ quả
quyết đi về phía tôi. Lại thêm một bạn chuyện nữa đây. Lại được nghe thêm một
chuyện đời nữa đây.
Cụ đến chỗ tôi, đặt ghế trước xe lăn của tôi, chậm chạp và nặng nhọc ngồi xuống.
Suốt thời gian chiến tranh cụ làm việc trong một nông trường1
. Từ sáng đến tối.
Không lương. Lương lậu gì hồi ấy? Vào thời gian ấy chỉ có một mục tiêu duy nhất: tất cả
__
1 Kolkhoz = nông trường quốc doanh, phân biệt với sovkhoz = nông trường tập thể.
cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng. Gạo phát theo ngày công. Gạo đem nấu cháo. Chỉ
có cháo, không có gì khác. Thậm chí bánh mì cũng không. Sau chiến tranh thì dễ chịu
hơn – ông chồng cụ còn sống, từ mặt trận ông lành lặn trở về. Hai người kéo nhau lên
thành phố. Ông chồng làm lái xe, cụ làm ở một xí nghiệp may. Chẳng bao lâu sau ông
chồng nghiện rượu bét nhè rồi chết. Cuộc sống ở thành phố, trong trí nhớ của cụ, là
những năm đẹp nhất đời cụ. Làm xong tám giờ ở xí nghiệp là tự do hoàn toàn. Hàng
ngày ở xí nghiệp có ăn trưa – một đĩa súp, một món thịt hoặc cá, kết thúc là nước hoa
quả tráng miệng. Tốt lắm. Làm việc xong, cả tập thể công nhân đi đào móng cho những
công trình mới, làm tự nguyện, không công. Cái đó gọi là “đội lao động thanh niên cộng
sản”. Cụ kể bằng giọng tự hào về những công trình trong thành phố, nơi có tay cụ góp
phần. Đào móng đến tận khuya, đêm mùa đông đèn pha bật sáng loá. Mọi người đều tự
nguyện, đều vui vẻ. Tối về đến nhà, ăn qua loa cái gì đó rồi đổ vật xuống giường. Sáng
ngày ra lại đến xí nghiệp. Chủ nhật đi xem phim. Sống tốt lắm.
Năm sáu mươi tuổi cụ về hưu. Mắt kém rồi, làm việc trong xí nghiệp may không
được nữa. Nửa năm sau, cụ xụm xuống trong một cơn chảy máu não. Hàng xóm đưa cụ
vào nhà già. Đã tưởng thế là xong, chấm hết. Một cụ cùng phòng nhờ cụ lấy nước uống.
Cụ chậm chạp đứng lên, lấy nước giúp bà bạn, cảm thấy trong mình dễ chịu hơn. Cụ
quan sát nhà già. Mọi cái đều tốt, có mái che thân, có ăn, có uống. Chỉ có một điều tồi tệ
- mọi sự chỉ được coi là tốt chừng nào mình còn đi lại được. Nằm xuống là hết, chẳng
ma nào nhòm nhõ đến mình nữa. Người ta mang đến cho đĩa cháo, đặt trên tủ giường,
ăn hay không ăn, mặc. Gào thét mấy cũng chẳng ai buồn đến. Cụ đâm hãi. Cụ quen lam
quen làm rồi, ăn không ngồi rồi cụ không chịu được. Cụ mới đi tua các phòng, lấy thìa
bón cho những người bị liệt. Hàng ngày cứ xong bữa sáng là cụ đi một lượt. Chưa kịp
cho tất cả mọi người ăn bữa sáng đã đến bữa trưa, chưa xong bữa trưa đã lại đến bữa
tối. Cứ thế, ngày này qua ngày khác, hết bữa sáng lại bữa tối. Không có cách nào cho
được mọi người ăn hết lượt. Cụ tự nhủ: mình sẽ chỉ bón cho những người ốm yếu nhất
thôi, những người gần đất xa trời thôi. Với những người còn khoẻ hơn, cụ mang cho họ
mẩu bánh mì lấy từ khẩu phần ăn trưa. Có bánh mì trong tay thì không thể chết được.
Mùi hôi thối, mùi mục rữa và mùi cái chết sặc sụa trong các phòng. Các cụ hay
nhờ cụ đi lấy bô, một số cụ nhờ thay quần áo. Họ nhờ đi lấy bô nhiều hơn là xin ăn, xin
uống. Cụ không chịu. Cụ tự nhủ từ nay chỉ cho họ ăn thôi.
Cụ ngó vào các phòng hỏi xem có ai cần cụ cho ăn không? Đáp lại câu hỏi hiền
lành của cụ mọi người có phản ứng khác nhau. Một số, giọng kiêu kỳ the thé bảo cụ
rằng phòng họ toàn người đi lại được, họ mắng cụ, họ văng tục văng rác với cụ. Họ coi
cụ như vú em trong nhà già, và coi đó là điềm gở: phàm vú em đến là cái chết sẽ đến
theo. Cụ không giận, cụ vẫn đi tiếp từ phòng này qua phòng khác.
Tệ nhất là những người đúng là đang cần đến sự giúp đỡ của cụ, họ thực sự cần
cụ. Chính những người ấy khi còn đủ sức thì chửi mắng cụ, xua đuổi cụ, nay họ lại gọi
cụ lớn tiếng hơn người khác để nhờ vả cụ, để cầu khẩn cụ bón cho họ. Họ nổi giận đùng
đùng nếu cụ không đến kịp bữa trưa. Họ vội vã nuốt hết thìa này đến thìa khác, mắt
vụng trộm liếc nhìn khẩu phần của mình xem nó có bị bà vú nọ thó mất chút nào
không? Những người như thế nằm lâu trong cứt đái, mục rữa đến tận những vết lở loét.
Vậy mà họ vẫn sống nhăn. Sống nhiều năm. Họ vẫn sống, trí não không còn, không
nhận ra cả người làm ơn cho mình, nhưng vẫn kiên trì há mồm đớp từng thìa cháo, nuốt
lấy nuốt để, cặp mắt vô hồn nhìn đăm đăm vào một khoảng không trống rỗng.
Trời sẩm tối. Thậm chí chúng tôi không nhận thấy là nửa ngày đã qua.
- Bà ơi, thế bà đã nuôi thiên hạ bao nhiêu năm rồi?
- Ba mươi hai năm. Đến lễ Phục sinh này là ba mươi ba năm chẵn. Bà đếm cả đấy.
Không sót đâu.
- Bà anh hùng đấy, bà ạ. – tôi thán phục nói – Ba mươi ba năm! Ba mươi ba năm
vô tư phục vụ mọi người.
- Vô tư hử?
Cụ rung bần bật trong tràng cười không thành tiếng. Cụ làm dấu ba lần, làm
nhanh, rồi lẩm nhẩm đọc kinh.
- Lớp trẻ các người ngốc ơi là ngốc. Trong sự sống cũng như trong cái chết, các
người mù tịt, chẳng hiểu gì sất.
Cụ nhìn tôi, đôi mắt nhỏ dữ tợn. Cụ chăm chú quan sát đôi tay tôi.
- Cháu tự ăn được đấy chứ?
- Vâng ạ.
Cụ thở dài. Rõ ràng cụ rất muốn chia sẻ với ai đó điều bí mật trong lòng cụ.
Không nhìn vào mắt tôi, cụ nói ra điều bí mật ấy một cách rõ ràng, có tính toán,
trong một hơi.
- Cháu bảo bà vô tư, hử? Có vậy thật. Người ta đề nghị bà nhận tiền. Ở đây đâu
phải chỉ có những kẻ trên không chằng dưới không rễ. Bà con thân thuộc của họ thường
đến thăm, giúi cho họ những đồng tiền bẩn thỉu. Bà không nhận tiền của lũ ấy đâu. Nếu
lũ ấy có lén bỏ vào túi bà thì bà cũng cho các cụ ông hết, cho đến đồng xu cuối cùng. Đối
với những người không còn biết trời trăng gì nữa thì bà mua kẹo cho họ ăn, mua hết. Bà
giữ tiền của họ mà làm gì, bà không thèm chịu ơn ai. Bà đã có lời nguyền như thế rồi.
Thoạt vào nhà già, thì vì ngu ngốc mà bà nuôi thiên hạ, chẳng hề suy hơn tính thiệt. Một
hôm bà cho một bà lão ăn, bà lão bảo: “Lấy cho ta cái bô”. Bà mới bảo: “Tôi chỉ cho bà
ăn thôi, hầu bô cho bà tôi không hầu”. Bà lão bảo: “Thế cũng được, có cho ta ăn thì cho
đi”. Bà lão nhai bỏm bẻm, ngậm bánh mì đầy một mồm, rồi nhổ toẹt vào mặt bà. Nhoe
nhoét hết cả. Bà lão lại bảo: “Buộc chặt cho ta cái khăn dưới cằm, để khi ta chết miệng ta
không bị há ra, chứ từ nay ta không ăn nữa đâu”. Sáng nào bà cũng đến với bà lão: có
thể bà lão sẽ nghĩ lại chăng, nhưng bà ấy chỉ nhìn bà rất nghiêm nghị rồi ngoảnh mặt đi.
Hai tuần lễ liền bà lão cứ nằm đấy mà chết dần. Bà mới thề với mình: ta sẽ bón cho tất cả
những ai ta còn kịp bón cho họ. Sau bà lão ấy còn nhiều bà lão khác cũng không chịu ăn.
Bà quen với chuyện ấy rồi. Chỉ có bà lão đầu tiên là bà nhớ. Bà cũng thề sẽ chết lặng lẽ,
không vật vã. Bà yếu rồi, bà không còn đủ sức để nhổ bánh mì ra nữa. Còn nằm mà ỉa
đùn ra đấy thì kinh khủng lắm. Hồi ấy bà sợ lắm. Thế mà cháu lại bảo là bà vô tư.
GIẤY RA VÀO
Nhà già. Không phải nhà tập thể, không phải nhà thương. Một bức tường bê tông
cốt sắt vững chãi bao quanh, hai cánh cổng thép. Nhà già toạ lạc ngoài rìa thành phố.
Hàng xóm là một trại chung giam tù hình sự. Ở trại hình sự mọi sự rõ ràng, đấy là nhà
tù, là hàng rào kẽm gai. Tù sướng hơn tụi tôi, hết hạn thì ra ngoài tự do. Chúng tôi
chẳng hi vọng vào cái gì. Người ngoài cấm vào. Người trong không được ra khỏi cổng
nếu không có giấy phép của chủ nhiệm. Một giấy phép bình thường, có chữ ký và con
dấu. Một tay công an cựu trước công tác ở trại tù hàng xóm nghiêm chỉnh canh cổng ra
vào. Lão đã già đối với nghề công an, nhưng còn dùng được cho cái cổng nhà già. Lão
ngồi đấy, mở cổng đóng cổng cho cấp trên. Công việc đơn giản, quen thuộc, lại được
thêm tí tiền còm vào lương hưu.
Trong những người ở nhà già, người nào khoẻ mạnh hơn, lanh lợi hơn thì có thể
trèo qua hàng rào hoặc đào hầm mà chui ra ngoài. Chứ đối với lũ tàn tật ngồi xe lăn như
tụi tôi, lão gác cổng khốn kiếp nọ đúng là một con chó săn nòi1
.
Một anh chàng tàn tật nọ đặt taxi. Trước đấy, anh ta đã bàn với các bạn để họ
giúp anh ta ngồi vào xe. Ba ngày trước chuyến dã ngoại anh chàng đã kiếm được giấy
phép. Đâu vào đó cả, kế hoạch đã vạch, điểm đi có người giúp lên xe, điểm đến có
người đón. Và, thế là anh ta đã ngồi trong xe, cái xe lăn gập lại được nằm trong cốp.
Chiếc taxi lăn bánh ra cổng. Bác tài bấm còi. Từ trong bốt gác lão già thấp bé với
cặp mắt sắc ti hí và dữ tợn thủng thẳng bước ra:
- Ai trong xe?
Bác tài ngớ ra:
- Người chứ còn ai.
- Có giấy phép không?
Bác tài bối rối đón tờ giấy trong tay khách, đưa cho lão. Lão nghiên cứu kỹ lưỡng
tờ giấy bằng con mắt thạo việc.
- Giấy tờ không có vấn đề, cho đi. Tôi biết thằng này mà, nó cứ quanh quéo luôn
bên cổng ra vào. Có điều lần trước nó ngồi xe lăn và không có giấy phép.
- Nhưng bây giờ thì có giấy chứ? Mở cổng ra nào.
- Đồng chí không hiểu ý tôi rồi. Ở đây ghi: “Giấy phép cho đi ra ngoài khu vực
nhà tàn tật nội trú”. Văn bản chính quy hẳn hoi. Tôi có trách nhiệm thi hành nghiêm
__
1 Nguyên văn: người canh cổng dữ tợn (tiếng Pháp: cerbère).
chỉnh. Nó muốn đi bộ1 ra khỏi đây thì được, không muốn thì thôi. Cơ mà ngồi trên xe để
ra thì không được.
Bác tài phát cáu. Là người đã đứng tuổi, bác không quen bị giễu cợt. Bác liền
đánh xe về phía nhà già, đi vào trong. Sau nửa giờ tranh luận với ông chủ nhiệm, bác tài
bước ra, tờ giấy phép vẫn cầm trong tay, nhưng giờ nó đã được thêm vào một dòng chữ
viết tay bên lề: “và được đi ra bằng xe”. Góc tờ giấy có thêm một con dấu. Anh chàng
tàn tật khoái chí. Hẳn ông chủ nhiệm ngày hôm đó có tâm trạng vui vẻ. Chứ theo
nguyên tắc thì giấy phép nọ phải huỷ, người đầu đơn phải viết lá đơn mới và phải chờ
vài ba ngày nữa để người ta giải quyết vấn đề phức tạp nọ. Chiếc xe lăn bánh về phía
cổng một lần nữa. Lão gác cổng xét nét nghiên cứu tờ giấy phép đã được sửa chữa, trả
lại nó cho bác tài, rồi miễn cưỡng bước ra mở cổng.
Họ đi trong im lặng mấy phút. Bỗng dưng bác tài cho xe dừng lại. Hai tay nắm
chặt vô-lăng, bác hít một hơi dài. Đoạn, không nhìn đến người khách trên xe, bác nói
bằng giọng căng thẳng, gần như giận dữ, với khoảng không phía trước:
- Này, anh bạn trẻ, nói anh đừng giận, chứ tôi không lấy tiền của anh đâu. Cũng
không phải vì anh tàn tật. Thời trẻ tôi phải ngồi tù mất ba năm, tôi nhớ vụ đó suốt đời.
Từ ngày ấy tôi căm thù bọn “cá”2
.
Bật máy đếm, bác nhấn ga. Chiếc xe mở hết tốc lực chạy khỏi nhà già, khỏi nhà
tù, khỏi lão gác cổng khốn kiếp. Tự do. Sướng thật.
THẰNG NGỐC
Trạm xe buýt. Tôi và vợ tôi đi đâu đó. Chúng tôi đợi xe. Cuối cùng thì cái xe buýt
đã đến. Sau tay lái là một gã thanh niên đeo kính đen rất mốt. Alla xốc tôi lên, nàng đặt
chân phải lên bậc xe, thành thử chân nàng phải chịu trọng lượng của cả hai chúng tôi.
Gã lái xe nhìn chúng tôi mỉm cười, rồi bất thình lình, gã nhấn ga. Do cú giật mạnh bất
ngờ, Alla bật ngửa, nàng xoay người nửa vòng, gối khuỵu xuống, vẫn ôm chặt tôi trong
tay. Nhờ luyện tập judo mà Alla mới không bị ngã. Nàng đứng thẳng lên, đặt lại tôi vào
xe lăn.
Một người đàn ông xỉn xỉn đứng trong trạm xe buýt không nhịn được cười. Ông
ta cười hi hí một lúc rồi tới bên chúng tôi. Alla lảng ra xa, nàng không hiểu rằng với
hạng người như thế tôi vẫn có thể trò chuyện.
__
1 Giấy phép ở đây dùng chữ vykhod (nghĩa là ra, đi bộ) chứ không ghi vy’ezd (ra, đi bằng xe).
2 Tiếng lóng, chỉ công an.
- Nó ngốc. – người đàn ông nói với tôi – Một thằng ngốc.
- Tại sao?
- Bởi vì anh có cái xe lăn, anh có thể nhìn thấy ánh mặt trời, nhìn thấy những con
chim trên mặt đường kia, chứ còn sau tai nạn hắn ta sẽ ra sao thì có trời biết. Nghề của
hắn là một nghề nguy hiểm.
Tôi hiểu ra. Tôi mỉm cười. Đúng là một thằng ngốc.
PLASTILIN
Nặn bố dễ ợt. Còn dễ hơn nặn cái nấm. Chỉ cần vo tròn rồi ép dẹp hai viên
plastilin là xong.
***
Khi tôi còn bé, tụi tôi thường nặn bằng plastilin. Cô quản giáo to béo phát cho
chúng tôi mỗi đứa hai miếng. Một miếng phải vê thành ống dài, miếng kia thành cái
bánh mỏng. Chắp cái ống vào cái bánh thì thành cái nấm. Bài tập đơn giản cho những
đứa bé mới lớn là như vậy.
Tôi đặt một tay lên cục plastilin. Tôi gỡ miếng nọ khỏi miếng kia. Tôi định lấy tay
dàn mỏng một miếng plastilin trên mặt bàn. Không được. Tôi lăn nó trên mặt bàn, nó
không trở thành mỏng hơn, chẳng trở thành dày hơn. Tôi lấy miếng khác, kết quả vẫn
như trước.
Mỗi đứa làm bài tập theo cách của nó, chẳng đứa nào giống đứa nào. Đứa nặn
được cái nấm thẳng và đẹp, trong tay đứa khác cái nấm trở thành méo mó, vẹo vọ, bé
tẹo. Cô quản giáo đến với từng đứa, đứa nào cũng được cô cho một lời khuyên, cô sửa
lại mũ nấm cho đứa này, sửa chân nấm cho đứa khác. Cô đến bên tôi:
- Xem em làm thế nào rồi nào? – cô ngọt ngào hỏi tôi.
Tôi đặt miếng plastilin này trên miếng kia. Dù sao thì giờ đây cấu trúc ấy đã hao
hao giống cái nấm, tôi nghĩ thế.
- Cái gì thế này? Em nặn cái gì vậy?
Cô giáo cầm lấy những miếng plastilin của tôi, nắn đi nắn lại cho nó mềm ra
bằng những ngón tay khoẻ mạnh, với động tác nhanh nhẹn và thành thạo.
- Bây giờ em hiểu phải làm thế nào rồi chứ?
Tôi gật đầu. Bây giờ tôi hiểu rồi.
98
- Còn bây giờ, các em hãy nhìn xem em nào làm được cái nấm đẹp nhất. Cái nấm
đẹp nhất là cái nấm của Ruben.
Tôi nhìn lên bàn. Cái nấm nhỏ trước mặt tôi đúng là giống nhất, đẹp nhất.
Nhưng tôi cóc cần. Nó chẳng phải của tôi.
***
Con gái tôi nặn bố nó. Nặn bố dễ ợt. Dễ hơn nặn cái nấm. Chỉ cần lăn hai miếng
plastilin tròn thành dẹt. Hai miếng plastilin giống nhau, hai bánh xe của một cái xe lăn.
***
Còn bây giờ, các em ơi, ta hãy xem em nào nặn được cái nấm đẹp nhất.
KHÔNG BAO GIỜ
Không bao giờ. Một cụm từ khủng khiếp. Khủng khiếp nhất trong tất cả các từ có
trong ngôn ngữ loài người. Không bao giờ. Sánh được với nó chỉ có một từ, ấy là “chết”.
“Chết” là cái “không bao giờ” thật to. Là cái “không bao giờ” vĩnh viễn, cái chết xoá
sạch sành sanh mọi hi vọng, mọi khả năng. Không còn “có thể” hoặc “biết đâu đấy” gì
hết. Không bao giờ.
Không bao giờ tôi đặt chân lên được đỉnh Everest. Sẽ chẳng có những cuộc luyện
tập kéo dài, những buổi khám sức khoẻ, những trạm trung chuyển, những nhà trọ. Tôi
sẽ không nguyền rủa thời tiết, những con dốc trơn và những vách đá dựng đứng. Sẽ
chẳng có những khe dừng chân, những ngọn núi to nhỏ, sẽ chẳng có gì hết. Có thể, nếu
như tôi gặp may, nếu như tôi may mắn lắm lắm, thì một lúc nào đó tôi sẽ được thấy Tây
Tạng. Nếu như tôi hết sức may mắn thì có khi tôi sẽ được đưa tới điểm tập trung đầu
tiên, đến cái “không bao giờ” đầu tiên và cũng là cái “không bao giờ” cuối cùng. Tôi sẽ
nhìn thấy những ngọn núi, những nhà leo núi điên rồ thách thức bản thân và thách thức
thiên nhiên. Sau khi trở về, nếu như họ gặp may để trở về nguyên vẹn, họ sẽ vui vẻ, với
một chút ngượng ngùng, kể cho tôi nghe chuyện bên kia biên giới của cái “không bao
99
giờ” của tôi có cái gì. Họ sẽ đối xử tốt với tôi, tôi biết, chính tôi cũng điên rồ chẳng khác
gì họ. Mọi sự sẽ tuyệt lắm. Có điều tôi chẳng bao giờ leo lên được đỉnh mà thôi.
NGƯỜI ANH EM
Chúng tôi đi cùng mấy người bạn từ ngoại ô vào thành phố. Trời nóng kinh
khủng, xe buýt không có. Bắt được một xe quá giang lúc này là chuyện vô vọng. Ai dại
gì chở ba thanh niên khoẻ mạnh cộng với một kẻ tàn tật ngồi xe lăn.
Một may mắn bất ngờ xuất hiện. Một xe buýt quân sự. Phải kiếm bằng được chỗ
ngồi. Không có lựa chọn nào khác. Mấy anh bạn trẻ nâng bổng chiếc xe lăn có tôi ngồi
trong lên, họ đàm phán với anh lái xe. Lái xe khăng khăng một mực “không được
phép”, “điều lệnh”, đại khái thế.
Từ phía cuối xe một anh bộ đội chạy tới chỗ anh lái xe, kêu to: “Người anh e. e. e.
m…”. Anh ta say khướt, hung hăng. Họ tranh luận một hồi. Chúng tôi được đi.
Đám tân binh nhường chỗ cho chúng tôi. Tôi nửa nằm nửa ngồi trên cái ghế hẹp,
tôi đau. “Người anh em” đến chỗ tôi. Anh ta đứng liêu xiêu, áo ngoài mở phanh, bên
trong là áo nịt lính thuỷ.
- Đằng ấy ở Afghanistan về hử?
- Không.
- Tớ hỏi vậy thôi. Trước khi đến Afghanistan tớ chưa hề biết thế nào là tàn tật. Rồi
bạn bè trở về, đứa què, đứa cụt, đứa mù. Nhiều đứa chịu không nổi, gục đấy. Còn đằng
ấy sao?
- Thường. Tớ có vợ, có việc làm.
- Vững lòng nhé!
Xe buýt đi vào thành phố. Anh em khiêng tôi ra. Anh bộ đội kêu to câu gì đó với
tôi qua kính xe.
Tớ sẽ nhớ cậu mãi, người anh em ạ.
Tớ nhớ hết. Nhớ cái áo lính thuỷ của cậu, nhớ cặp mắt điên dại của cậu.
Tớ sẽ nhớ cậu mãi, người anh em ạ.
Tớ sẽ vững lòng.
BIG MAC
Từ trên màn hình, một ngôi sao tivi răng trắng bóng liến thoắng quả quyết với tôi
về tính chất ưu việt của nền dân chủ Hoa Kỳ. Tôi không nghe cái thông báo ấy làm gì.
Tôi đã biết tất những gì cô ta sẽ nói rồi. Cô ta có lý, tôi tin thế. Cô ta có quyền tự hào về
Tổ quốc của cô ta. Về Hiến pháp, về quốc thiều Mỹ, về lá cờ Mỹ. Cô ta có “Tuyên ngôn
Độc lập”, có tượng nữ thần Tự do và có Mac Donals.
Ngôi sao tivi hào hứng kể cho tôi nghe về hệ thống các quán ăn nổi tiếng. Anh hề
buồn bã với nụ cười xuẩn ngốc từ trên biển quảng cáo loè loẹt nhìn xuống tôi.
Hamburger và nước khoáng có ga – thử hỏi còn gì đơn giản hơn? Một kiều nữ Mỹ trong
bộ cánh của dân làm ăn hoài công xác quyết với tôi rằng cái hamburger tuyệt trần đời
chính là cái hamburger ấy đấy, rằng nước khoáng có ga tuyệt trần đời chính là cái nước
khoáng có ga nọ. Rõ tào lao. Trong cuộc sống của tôi chất lượng thức ăn đâu phải là
điều quan trọng nhất.
Tôi biết các quán Mac Donald’s đều được thiết kế đúng chuẩn mực quốc tế về
phục vụ mọi loại khách hàng không phân biệt. Tôi biết xe lăn của tôi có thể đi qua mọi
cửa của Mac Donald’s. Những người hầu bàn lịch sự nhất thế giới sẽ giúp tôi sử dụng
phòng vệ sinh trong quán, sẽ cắt nhỏ cái Big Mac cho tôi ăn, sẽ cắm ống hút vào cốc
Coca Cola của tôi và đưa lên tận miệng tôi.
Tất tần tật. Thế là đủ. Thế là quá đủ. Đó là món quà quá sang trọng đối với một
người tàn tật. Hamburger và nước khoáng có ga. Bánh mì và nước. Nền tảng của những
nền tảng. Quyền được bảo đảm một chỗ đứng dưới ánh mặt trời cho mỗi công dân.
Đó là dân chủ.
I GO
Tiếng Anh. Ngôn ngữ của giao tiếp quốc tế, ngôn ngữ của những cuộc đàm phán
các loại công chuyện. Hầu như cái gì cũng có thể dịch từ tiếng Anh sang tiếng Nga. Từ
thi ca của Shakespeare cho đến bản hướng dẫn sử dụng tủ lạnh. Hầu như bất cứ cái gì.
Hầu như thôi.
***
Chiếc xe lăn. Một chiếc xe lăn Mỹ. Trong tay tôi là cần điều khiển. Chiếc xe ngoan
ngoãn chở tấm thân bất động của tôi trên phố trong một thị trấn nhỏ nhoi trên đất Mỹ.
Tôi vượt đèn đỏ. Trong chuyện ấy chẳng có gì lạ. Lần đầu tiên trong đời, tôi được
đi ngang phố. Chiếc xe lăn hãy còn chưa ngoan ngoãn tuân lệnh bàn tay bại liệt của tôi.
Những chiếc xe hơi dừng lại.
Từ trong chiếc xe ở hàng ngoài cùng bên trái, một anh lái xe tươi cười thò đầu ra,
vẫy vẫy tay và nói to điều gì đó với vẻ khích lệ.
Một viên cảnh sát đi tới. Nhìn bộ mặt hết hồn của tôi, ông ta biết ngay vì sao tôi
phạm luật.
- Ông không việc gì đấy chứ?
- Không, không sao.
- Ông quyết định ra đường như thế là phải lắm. Chúc ông may mắn.
***
Người đàn bà ngồi trên xe lăn phóng ào ào bên cạnh tôi. Trên miệng bà ta là ống
thở. Tựa xe ngả hẳn về phía sau gần như là nằm ngang, thành thử bà ta nhìn đường qua
một cái gương gắn trên xe. Bên thành xe, một dòng chữ lớn rực rỡ: “Tôi yêu đời”.
***
Một nhà hàng Tàu. Cửa vào hẹp. Bốn cái bàn.
Một anh bồi chạy ra.
- Tôi rất lấy làm tiếc, thưa ông. Xin ông thứ lỗi cho, cái xe lăn của ông không đi
lọt cửa này đâu, đáng tiếc là như vậy. Nếu ông vui lòng, xin rẽ vào gian bên cạnh. Tôi
đoan chắc ông sẽ không phải ân hận. Cũng thực đơn ấy, cũng đầu bếp ấy, phòng ốc hai
bên trang trí y hệt nhau. Có cả giấy chứng nhận đấy ạ. Tuyệt đối không có sự kỳ thị nào.
Tôi bối rối, tôi không biết nên nói thế nào cho cậu ta yên lòng, tôi cam đoan với
cậu ta rằng tôi vào gian bên cũng được, không có vấn đề gì. Anh bồi bàn dẫn tôi đến tận
cửa vào.
Gian này nhỉnh hơi gian kia một chút. Một anh bồi bàn khác dẫn tôi tới một bàn
trống, anh ta gạt những chiếc ghế sang bên để lấy lối cho tôi đi.
Mấy người khách trong nhà hàng dịch chân sang bên để khỏi vướng lối tôi đi. Số
khác không hề để ý đến cái xe lăn của tôi. Khi bánh xe lăn đè phải chân người nào đó,
họ hét lên. Còn phải nói, trọng lượng của xe lăn đâu có nhỏ. Chúng tôi xin lỗi nhau.
Anh bồi bàn ngạc nhiên nhìn tôi:
- Sao ông cứ xin lỗi mãi thế? Ông cũng có quyền ăn trong nhà hàng này như họ
cơ mà
***
Một cô gái Mỹ ngồi xe lăn tự hào chỉ cho tôi xem cái mini buýt có bậc lên xuống
chạy bằng điện cho người đi xe lăn. Cô kể ở nước Mỹ trạm xe buýt nào cũng có những
chiếc xe như thế.
- Cô này, liệu có thể thiết kế lại những xe du lịch thông thường thành xe cho
người tàn tật không? Như vậy có khi còn rẻ hơn đấy – tôi hỏi.
Cô gái ngượng ngùng và bối rối nhìn tôi:
- Nhưng nếu thế thì chiếc xe được thiết kế chỉ chở được một người ngồi xe lăn
thôi! Ngộ nhỡ có một chàng trai và bạn gái của anh ta thì sao? Theo ông, họ phải đi trên
hai xe khác nhau à?
***
Hầu như có thể dịch mọi thứ sang tiếng Nga. Từ thi ca của Shakespeare cho đến
bản hướng dẫn sử dụng tủ lạnh. Hầu như bất cứ cái gì. Hầu như thôi.
Tôi có thể nói chuyện dài dòng về nước Mỹ. Tôi có thể kể ngày này qua ngày
khác về những cái xe lăn, những thang máy biết nói, những con đường bằng phẳng,
những ban-công treo, những xe buýt nhỏ có bậc lên xuống chạy bằng điện dùng cho xe
lăn. Về những thảo chương viên khiếm thị, những nhà bác học bại liệt. Về chuyện tôi đã
khóc khi nghe nói tôi phải trở về Nga và phải bỏ lại đây cái xe lăn.
Nhưng cách biểu đạt đắt nhất cho cảm xúc nảy sinh trong lần đầu tiên khi tôi bắt
cái kỳ quan kỹ thuật Mỹ này rời chỗ mà lăn đi là câu nói hàm súc, ngắn gọn: “I go”.
Câu này không dịch sang tiếng Nga được.
TỔ QUỐC
Tôi và Katia rẽ vào một tiệm chạp phô mua thức ăn. Katia vào sâu bên trong, còn
tôi đợi ngoài cửa. Các tấm séc du lịch đều mang tên Katia, tôi ký lóng ngóng lắm. Tôi
chật vật mới giữ nổi tay mình, chữ ký của tôi dù sao vẫn gây ra nghi ngờ. Chọn thức ăn
103
xong, Katia đến quầy trả tiền. Sau quầy là một người Ả Rập đứng tuổi. Ông ta sôi nổi
giải thích cho Katia chuyện gì đó, ra hiệu bằng tay một cách tuyệt vọng. Katia không
biết tiếng Anh. Tôi buộc lòng phải tham gia câu chuyện.
Tôi điều khiển cần lái cho xe lăn tiến đến bên quầy. Katia né sang bên.
- Chuyện gì vậy?
- Tôi không thể nhận séc của ông bà. Tôi chỉ nhận các séc mệnh giá dưới mười
đô-la, mà bà lại đưa cho tôi séc năm mươi đô.
Tôi đang ở nước Mỹ. Tôi đã ở nước Mỹ hai tuần. Tôi bình tĩnh. Tôi lại mó máy
cần điều khiển. Lưng ghế xe lăn dâng lên gần như thẳng đứng. Tôi cho xe lăn đến sát
quầy.
- Tôi hiểu rồi. Ông muốn nói séc này giả. Ông hãy nhìn tôi này. Ông nghĩ tôi làm
giả séc được sao? Trông tôi có giống một hoạ sĩ không? Tôi có giống một tên lừa đảo
không? Hãy nhìn cái xe lăn của tôi. Ông có biết nó giá bao nhiêu không? Tôi mua hàng
của ông hôm qua, hôm kia, tôi mua của ông hôm nay, ngày mai nữa, có khi tôi còn mua
của ông. Đó là nước Mỹ. Ông bán, tôi mua. Chỉ có một trong hai cái đó thôi. Nếu séc
thật, ông bán hàng cho tôi. Nếu séc giả, do tôi tự vẽ, ông hãy gọi cảnh sát.
Ông ta nhìn tôi ra chiều kính trọng. Rõ ràng là ông ta ưng cách xử sự như vậy.
- Được rồi. Tôi nhận. Ông người Palestin?
- Không phải. Tây Ban Nha.
- Ông từ Tây Ban Nha tới?
- Từ Nga.
- Bao giờ ông về Nga?
- Ba hôm nữa.
- Chắc đã nhớ quê hương rồi.
- Không, tôi không nhớ.
- Sao vậy?
- Ở đó tồi tệ lắm. Không có những chiếc xe lăn, những vỉa hè, những cửa hiệu
như của ông. Tôi chẳng muốn về chút nào. Nếu có thể, tôi sẽ ở lại đây vĩnh viễn.
Ông ta lắc đầu, vẻ trách móc. Nhìn tôi bằng cái nhìn bề trên, hơi buồn.
- Trẻ con, đúng là trẻ con. Ông thì biết cóc gì cái cuộc sống này? Không thể sống ở
đây được đâu. Con người như là cầm thú ấy. Thiên hạ sẵn sàng giết chết nhau chỉ vì
một đô la. Tôi làm việc mười bốn giờ một ngày, tôi đang để dành tiền. Ky cóp thêm ít
nữa, xong là tôi về quê, về Palestin. Nhưng ở đó lại đang có bắn nhau. Ở quê anh người
ta có bắn nhau không?
- Không.
Thanh toán xong, chúng tôi từ biệt ông và bỏ đi. Tôi cho xe lăn chạy ra khỏi cửa
hiệu. Tôi cho xe quay lại, nhìn ông già Palestin qua kính quầy hàng. Ông ta là một người
hạnh phúc. Ông ta có Tổ quốc.
TỰ DO
San-Francisco. Thành phố mộng mơ của tôi, thành phố đông người trong địa
ngục tư bản. Thành phố của những kẻ bị ruồng bỏ, những kẻ kỳ quặc.
Tôi đang đứng trên vỉa hè. Ngày cuối cùng của tôi trên đất Mỹ. Ngày mai tôi sẽ
được đưa ra phi trường, tôi sẽ được đặt vào trong máy bay. Máy bay sẽ đưa tôi về nước
Nga đúng hạn. Ở đó, trên nước Nga xa xôi, người ta sẽ đặt tôi lên đi văng và tuyên án
chung thân tôi trong bốn bức tường. Những người Nga tốt bụng sẽ cho tôi ăn, sẽ uống
vodka cùng tôi. Ở đó tôi sẽ no nê, và có lẽ còn ấm nữa. Ở đó sẽ có tất cả mọi thứ, trừ tự
do. Người ta sẽ cấm tôi nhìn thấy mặt trời, cấm tôi đi chơi trong thành phố, cấm tôi ngồi
trong quán cà phê. Người ta sẽ hạ cố giải thích cho tôi hiểu rằng tất cả những thứ sang
trọng ấy là để dành riêng cho những công dân bình thường, những công dân có tấm
thân toàn vẹn. Họ sẽ cho tôi thêm một ít thức ăn, một ít rượu, và lại nhắc lại thêm một
lần nữa, một lần kế tiếp, về sự vô ơn của tôi. Họ sẽ nói với tôi rằng tôi là đứa đòi hỏi quá
đáng, rằng cần phải chịu đựng thêm chút nữa, một chút thôi, chỉ chút xíu thôi, khoảng
năm chục năm gì đó. Tôi sẽ đồng ý tuốt và tôi gật lia lịa. Tôi sẽ làm tất cả những gì
người ta ra lệnh và câm nín chịu đựng sự hạ nhục, nỗi xấu hổ. Tôi sẽ nhìn nhận sự bất
túc của tôi như một tai hoạ không tránh khỏi và tôi sẽ chết dần chết mòn. Còn đến khi
nào tôi chán ngấy cuộc sống chó má này và tôi xin người ta một chút thuốc độc, thì dĩ
nhiên họ sẽ từ chối. Cái chết nhanh chóng bị cấm trong đất nước xa xôi và nhân đạo
này. Tất cả những gì người ta cho phép tôi, là tự đầu độc mình bằng vodka và hi vọng
sẽ kiếm được chứng ung thư dạ dày hoặc nhồi máu cơ tim.
Tôi đang đứng trên vỉa hè. Nếu đẩy cần điều khiển hết mức về phía trước thì
động cơ rất mạnh của cái xe lăn chạy điện sẽ đưa tôi đến chốn bất tường. Chuyến máy
bay sẽ cất cánh không có tôi. Sau hai ba ngày điện dự trữ của xe lăn sẽ cạn. Không tiền,
không giấy tờ, tôi không thể sống nổi trong đất nước tuyệt vời và tàn nhẫn này. Cái lớn
nhất mà tôi có thể hi vọng, đó là có thêm được một ngày tự do. Sau đó là cái chết.
***
Đó là nước Mỹ. Nơi cái gì cũng mua được, cái gì cũng bán được. Một đất nước
tàn bạo, kinh khủng. Ở đấy đừng hòng có ai thương xót mình. Nhưng tôi đã chén đẫy
tình thương ở nước Nga rồi. Tôi thích sự làm ăn bình thường hơn.
Đó là nước Mỹ.
- Có cái gì bán đấy?
- Ngày tự do. Tự do đích thực. Ánh nắng, không khí. Những cặp tình nhân mi
nhau trên ghế trong công viên. Một anh chàng hippi chơi ghi ta. Quyền được nhìn thấy
cô bé nọ cho sóc ăn trên lòng bàn tay thêm một lần. Lần đầu tiên và là lần duy nhất
trong đời được thấy thành phố ban đêm, ánh sáng của ngàn vạn pha đèn ô tô. Lần cuối
cùng tôi được ngắm những biển hiệu nê-ông, được mơ mộng chút xíu về cái hạnh phúc
không thể có là được sinh ra trên đất nước tuyệt vời này. Hàng chính cống, chất lượng
cao. Chế tạo tại Hoa Kỳ.
- Giá bao nhiêu ?
- Rẻ hơn giá cuộc sống chút xíu thôi.
- Tôi mua, khỏi trả lại tiền thừa.
***
Rồi sau đó, ở nước Nga, cả tháng trời ròng rã tôi sẽ nốc vodka từ sáng đến tối, tôi
sẽ khóc ròng đêm đêm, và trong cơn mê sảng do rượu gây ra tôi sẽ sờ soạng nắm lấy
cần điều khiển của chiếc xe lăn không hề có, chiếc xe huyền thoại. Và ngày nào cũng
vậy, tôi sẽ tiếc hùi hụi rằng trong khoảnh khắc quyết định mình đã sai lầm.
NOVOCHERKASSK
Tôi ra đời ở Moskva. Moskva - thủ đô của nước Nga. Trong trường, chúng tôi đã
được biết hết về Moskva. Chúng tôi ngân nga những bài hát ca ngợi Moskva, ngâm
những vần thơ về Moskva. Người ta nói với chúng tôi rằng Moskva là thành phố đẹp
nhất trần gian. Không biết có thật thế hay không, bởi vì tôi chỉ đi ngang qua Moskva,
cũng như tôi đi ngang Sant-Peterburg. Tôi không cãi, rất có thể những gì người ta nói
với chúng tôi về Moskva là đúng, thật nó là như thế. Có thể đúng nó là như thế. Nhiều
người tin chắc nó là như thế, ít nhất thì những người Moskva tin chắc là như thế.
Tôi được thấy tận mắt ba thành phố trên thế giới: Novocherkassk, Berkley và
Madrid. Đầu tiên là Novocherkassk.
Tôi biết Novocherkassk từ lâu. Có những huyền thoại về thành phố này. Thiên hạ
đồn trong nhà trẻ ở Novocherkassk ngày nào trẻ con cũng được ăn khoai tây, đông cũng
như hè. Người ta kể ở Novocherkassk có trồng cà chua. Mà không phải chỉ có cà chua.
Mận, dưa hấu, dưa hồng, dưa thơm, đều được trồng ở thành phố thần tiên này, cả hạt rẻ
và ngô, ớt ngọt và cà. Tất cả những thứ ấy tôi đã được nếm đôi ba lần trong đời. Tôi đọc
sách thấy nói những thứ hoa quả ấy được trồng ở phương Nam. Tôi tìm thấy
Novocherkassk trên bản đồ thế giới và biết nó là một thành phố nằm ở miền Nam nước
Nga. Người ta còn cho chúng tôi biết đứa nào hoàn toàn không đi được sẽ được đưa đi
Novocherkassk, tới ngôi nhà dành cho những người già lão và tàn tật. Một ngôi nhà
gạch ba tầng. Ở đó có xe lăn, ở đó có các bà bảo mẫu và các bác sĩ, ở đó mọi người sống
lâu và không ai chết ngay. Tất nhiên những cái đó có vẻ là chuyện bịa, chuyện hoang
đường, là mộng hão. Nhưng nếu thế thì đã sao? Tôi tin vào Novocherkassk. Tôi cần, rất
cần, phải tin vào một cái gì đó.
Những mơ ước đôi khi cũng thành sự thật: một tấm vé xổ số biến thành một
đống tiền, dương xỉ ra hoa, và một bà tiên sẽ bay đến với một đứa bé mồ côi. Vào một
ngày tuyệt đẹp, một ngày không thể tin được là sẽ có, một ngày không thể có thật, một
chú hay một bác nào đó rất quan trọng ở Moskva sẽ ký vào một tờ giấy rất quan trọng,
và tôi sẽ được đưa đến Novocherkassk. Tôi tin một cách ngây thơ như thế, nhưng tất cả
những gì tôi mong ước đã trở thành hiện thực, kể cả khoai tây và mơ.
Tôi còn trẻ và tương đối khoẻ mạnh. Tôi hi vọng sẽ còn nhìn thấy nhiều thành
phố khác nữa trên thế giới. Tôi sẽ thấy Paris, Tokyo, Roma và Sydney, Buenos Aires và
Berkley. Thể nào tôi cũng phải đến Berley lần nữa. Tôi tin tất cả những thành phố ấy là
có thực trên thế gian. Tôi tin như tôi đã tin vào Novocherkassk.
Tôi ra đời ở Moskva, tôi rất không may, không may lắm lắm, là ra đời ở cái thành
phố điên rồ, kinh khủng ấy. Tôi gặp may chính là ở Novocherkassk. Novocherkassk là
một thành phố tốt. Hẳn tôi đã chết, nếu như ở nước Nga không có Novocherkassk.
ĐEN
Đời bao giờ chả vậy, hết cơn bĩ cực ắt tới tuần thái lai, hết thành công thì tới thất
vọng. Mọi sự đổi thay, mọi sự đều phải đổi thay. Thế mới phải, mới đúng. Tôi biết điều
đó, tôi không chống lại nó, tôi chỉ còn có thể hi vọng mà thôi. Tôi hi vọng ở chuyện thần
kỳ. Tôi chân thành mong muốn, tôi hết sức mong muốn cái dải đen trong đời tôi được
kéo dài thêm, không bị đổi thành trắng.
Tôi không thích màu trắng. Màu trắng là màu của sự bất lực và của định mệnh
xấu xa, màu trần bệnh viện và màu ga đắp trên người. Sự săn sóc được bảo đảm, sự bảo
trợ, cái im lặng, cái yên tĩnh, tất cả chẳng là cái gì hết. Là cái chẳng là cái gì vĩnh viễn của
cuộc sống trong bệnh viện.
Màu đen là màu đấu tranh, là màu hi vọng. Màu bầu trời đêm, nền phân minh rõ
nét của những giấc mơ, những phút lặng giữa những khoảnh khắc ban ngày vô tận của
thân xác mỏi mòn. Màu đen là màu của cổ tích và của ước mơ, màu của thế giới bên
trong những mi mắt khép kín. Màu của tự do, màu tôi chọn cho cái xe lăn điện của tôi.
Còn khi nào đến lượt tôi đi xuyên qua các ma-nơ-canh hiền hoà không mặt
không mũi khoác áo choàng trắng đứng thành hàng, để rồi, sau hết, đi đến chỗ kết thúc
cuộc đời tôi, đến đêm vĩnh hằng của riêng tôi, thì sau tôi sẽ chỉ còn lại những chữ mà
thôi, những chữ đen trên nền trắng. Tôi hi vọng.
Hết.
Nguồn: Trắng trên đen. Truyện của Ruben David Gonzalez Gallego. Người dịch: Nhà văn Vũ Thư Hiên, dịch từ nguyên bản tiếng Nga. Theo đề nghị của nhà văn Triệu Xuân, Dịch giả Vũ Thư Hiên gửi www.trieuxuan.info
Tìm kiếm
Lượt truy cập
- Tổng truy cập35,126,553
Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam
Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.
*Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...
Arita Rivera Đà Nẵng Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh vô cùng thơ mộng, lãng mạn. Tiện nghi hoàn hảo, hiện đại.
Khung cảnh vô cùng thơ mộng, lãng mạn. Tiện nghi hoàn hảo, hiện đại.
Chủ khách sạn là cặp vợ chồng: Triệu Thế Hiệp - Giám đốc điều hành Công ty Đông Tây Promotion, chuyên sản xuất các chương trình Truyền hình cho VTV & HTV- và Phạm Thành Hiền Thục - Tiến sỹ Đại học Queensland Australia, đang sống & làm việc tại Australia.
Chỉ có thể là ARITA RIVERA: Vẻ đẹp Hoàn hảo!
WELCOME TO ARITA RIVERA
Located near the romantic Han River, with an architectural style heavily inspired by French architecture, Arita Rivera is truly one of the classy boutique hotels in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable, with free Wifi, 24/7 room service and complimentary afternoon tea, etc. to be suitable for visitors to the resort. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations, and a place for all those who enjoy taking photos to experience when coming to Da Nang.
The Arita Bar - Restaurant on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River.
Visitors can relax at the swimming pool at the top of the building or the Arita Spa on the 2nd floor of the hotel.
Enjoy life, enjoy Arita experience!
Đọc nhiều nhất
- Phạm Hổ - Thơ viết cho nhi đồng
- Người của giang hồ (5): Lâm Chín ngón
- Thuật quan sát người (4)
- Người của giang hồ (11): Hải bánh
- Người của giang hồ (8): Huỳnh Tỳ
- Thuật quan sát người (2)
- Vài nét về tục Cúng Mụ, đầy tháng, thôi nôi
- Vài tư liệu về Tục thờ Thánh Mẫu
- Chùm thơ về Tây Nguyên
- Chuyện Sọ Dừa