Tìm kiếm
Lượt truy cập
- Tổng truy cập35,903,791
Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam
Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.
*Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...
Arita Rivera Đà Nẵng Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh vô cùng thơ mộng, lãng mạn. Tiện nghi hoàn hảo, hiện đại.
Khung cảnh vô cùng thơ mộng, lãng mạn. Tiện nghi hoàn hảo, hiện đại.
Chủ khách sạn là cặp vợ chồng: Triệu Thế Hiệp - Giám đốc điều hành Công ty Đông Tây Promotion, chuyên sản xuất các chương trình Truyền hình cho VTV & HTV- và Phạm Thành Hiền Thục - Tiến sỹ Đại học Queensland Australia, đang sống & làm việc tại Australia.
Chỉ có thể là ARITA RIVERA: Vẻ đẹp Hoàn hảo!
WELCOME TO ARITA RIVERA
Located near the romantic Han River, with an architectural style heavily inspired by French architecture, Arita Rivera is truly one of the classy boutique hotels in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable, with free Wifi, 24/7 room service and complimentary afternoon tea, etc. to be suitable for visitors to the resort. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations, and a place for all those who enjoy taking photos to experience when coming to Da Nang.
The Arita Bar - Restaurant on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River.
Visitors can relax at the swimming pool at the top of the building or the Arita Spa on the 2nd floor of the hotel.
Enjoy life, enjoy Arita experience!
Đọc nhiều nhất
- Phạm Hổ - Thơ viết cho nhi đồng
- Người của giang hồ (5): Lâm Chín ngón
- Thuật quan sát người (4)
- Người của giang hồ (11): Hải bánh
- Người của giang hồ (8): Huỳnh Tỳ
- Thuật quan sát người (2)
- Vài nét về tục Cúng Mụ, đầy tháng, thôi nôi
- Vài tư liệu về Tục thờ Thánh Mẫu
- Chùm thơ về Tây Nguyên
- Chuyện Sọ Dừa
Tiểu thuyết
28. DỊCH VÀ IN SÁCH CHÍNH TRỊ MA TÚY ĐÁNH VÀO
CÁI GỌI LÀ QUỐC GIA CỦA THIỆU
Nằm viện, những lúc tỉnh, chàng giải trí bằng cách đọc và dịch cuốn Politics in heroin của Mac Coy, một người Mỹ, viết chuyện, mô tả tỉ mỉ hệ thống tranh giành nhau buôn ma túy của Thiệu, Kỳ, Khiêm…
Chàng nghĩ cuốn sách rất quan trọng, nó đánh thẳng vào não trạng của bất cứ ai còn ảo tưởng vào cái gọi là tinh thần Quốc gia mà Mỹ ngụy thường mang ra tuyên truyền. Nếu phổ biến rộng rãi tới từng sĩ quan, binh lính Cộng hòa thì Politics in heroin có tác dụng như hàng sư đoàn, như xuy tiêu tán Sở của Trương Lương, xua tan hình ảnh chính nghĩa Quốc gia của lũ Thiệu, Khiêm, vạch rõ chân tướng của đám tổng thống, thủ tướng, tướng lãnh ngụy, chỉ là bọn buôn lậu ma túy,
Phải làm cho dân chúng ra mặt khinh khi, không tuân hành thượng lệnh nữa. Chàng nghĩ: đó là cách nhanh nhất làm long, làm tan rã ngụy quân, ngụy quyền.
Và chàng cương quyết thực hiện ý định đó: Với thời gian kỷ lục của kẻ đau yếu, đang nằm trên giường bệnh, cân chỉ còn ba chục ký lô như một em bé, với sự trợ giúp của người cháu ruột, con anh Sáu Diễn, bác sĩ Nguyễn Thái Uyên cùng dịch Politics in heroin. Chàng đã lại viết thư bí mật cho người ra gặp anh Thụ, Thư ký văn phòng khối Dân tộc ở Hạ nghị viện, nhờ anh in rone’o hàng ngàn bản cuốn Chính trị ma túy này, chờ đêm tối chở vô bệnh viện giấu kín dưới nệm.
Hàng ngày, để đáp lại tình thương của mọi người, chàng phân phát cho khách tới thăm, như một món quà, yêu cầu họ tìm cách nhân rộng ra, sao cho tới tận người dân thường, người lính binh nhì, để ai cũng rõ bộ mặt thật của chánh quyền tay sai.
Việc này đã có kết quả một cách thật bất ngờ: Một đội quân cảnh do một người em rể họ xa bên vợ chàng cầm đầu đã rã ngũ theo về với cách mạng trong dịp Tết. Chú ấy bắn tin cho chàng:
- Cuốn sách đã mở mắt cho chúng em. Lâu nay em cứ tưởng là vẫn có cái Chánh nghĩa Quốc gia như họ tuyên truyền. Đâu có dè.
Chính anh Bảy Dự, người phụ trách công tác binh vận lúc đó đã có dịp xác nhận với chàng về việc này sau giải phóng. Nhưng sau khải hoàn năm Ất mão (1975), bác sĩ Nguyễn Thái Uyên, người có công dịch Politics in heroin, chỉ là một thứ giới Tử Thôi thời xưa giữa lòng đô thị Sài Gòn say men cách mạng.
Tuần sau, trong bệnh viện, chàng đọc được trên báo Điện Tín, bài thơ sau đây của em ruột chàng, ký tên Hồng Hoang, bài Trên núi Long Đầu.. Chú Út kể:
- Đi dạy ở một ngôi trường nhỏ dưới chân Thiên Ấn, trở về một chiều thu miền Trung lộng gió, ngang qua thắng cảnh Long đầu hý thủy, em được tin đồn anh tử nạn. Em đã khóc thành dòng thơ:
TRÊN NÚI LONG ĐẦU
Chiều nghe tin anh, trên đồi
Lặng nhìn Trường Sơn mờ, xa xôi
Nghẹn ngào tim em, con đường dài
Mây đen chân trời mù tương lai.
Anh nói anh đi vì tình thương
Lá rừng ngập đầy trên quê hương
Bà con lối xóm nghèo xơ xác
Cỏ may um mộ bia Đồng Găng[1]
Bóng anh như bóng ai qua cầu?
Giọt hồng trong tim rưng rức đau
Tiễn anh, trang sách nhòe hoa bướm
Ấu thơ ơi! Đưa anh về đâu?
Ngày anh đi, em buồn không nói
Cội thung còn thơm mùi rong rêu
Trang thư dày thêm, tờ nhật ký
Thuở bào thai, nào tiếng thương yêu?
Trên núi Long Đầu[2] nghe tin anh
Bàng hoàng trời cao, sao mênh mang
Thiên Ấn ngàn năm con chim bằng
Trà Giang bên kia mưa giăng giăng
Từ thuở sao trời chia Sâm, Thương
Mắt anh đong đầy sóng trùng dương
Ý xanh hẹn đẹp ngoài quan tái
Nửa thân lao lụy đời gió sương
Chiều nghe tin anh.
Buồn thôi đừng khóc
Nước mắt khô rồi, chẳng hiểu tại sao
Con gió mùa thu luồn qua xống áo
Hoa bướm ngày xưa nhòe trong chiêm bao.
Viết trên núi Long Đầu, Quảng Ngãi chiều 13-11-1974.
Tác giả: Hồng Hoang
Bài này được in trên nhiều Tuyển tập thơ sau 1975. Chú em đó người khắc khổ cho đến già, ngoài bốn mươi tóc đã bạc, khó khăn trong việc chấp nhận tha nhân, khởi đầu từ những người trong tiểu gia đình nên hạnh phúc nhỏ nhoi nhất với chú cũng xa tầm tay với.
Con người đó, luôn lắng đọng vào bên trong để nhớ, để thương, để cưu mang tất cả, từ tình bạn đến bà con dòng họ, bằng những bữa cơm rau chào mời, bằng những cuộc viếng thăm thường xuyên và lắm khi rất lặng lẽ. Chàng còn mắc nợ chú quà cưới một chiếc đèn kéo quân từ non năm chục năm trước, với cảnh Giang tả cầu hôn vẽ trên đó, theo truyện Tam Quốc. Thời gian qua đi chẳng bao giờ trở lại. Chú theo đạo rượu của Lưu Linh, những năm cuối đời bình thản chấp nhận cái sống bán thân bất toại.
Ngày Chủ nhật (17-11-1974) huê viên bệnh viện vắng vẻ quá chừng. Chàng nhờ cô y tá đưa lên chiếc xe lăn, đẩy tới cầu thang máy, xuống lầu ra vườn ngắm cá. Có một cây ngũ sắc đang trổ hoa đủ màu. Trong Nam người ta gọi là cây cứt lợn hay dái ngựa, chẳng hiểu sao. Chàng nhìn nó nhớ tới Hằng, con gái viên Chính ủy Liên khu 5 thời kháng chiến mà chàng từng yêu và cái chết của nàng đã gợi bao hoài niệm cho chàng viết bài thơ Ngủ yên vào năm 1955.
Ôi, cô gái đó, sao mà giống chú em chàng vậy? Một trai, một gái, một yểu vong từ vừa đôi chín, một thọ tỷ Nam Sơn, nhưng cả hai đều mệnh bạc, theo cái nghĩ của chàng. Trên bờ hồ cá trong bệnh viện một chiều tháng Mười một năm 1974 mây bạc lênh đênh, chàng đã viết một bức thư dài cho em, bằng lời thơ ngũ ngôn cổ phong:
THƯ CHO EM
Năm năm hai bố mất
Chúng mình còn lang thang
Tao dạy ở Đức Chánh
Còn mày thì Đề An
Nhà mình tuy không nghèo
Nhưng mái tranh tróc nóc
Cho bọn mình đi học
Bố mơ ngày làm nên
Tráng xi măng cái nền
Và xây tường lợp ngói
Mịt mù trong lửa khói
Giấc mộng vẫn không thành
Suốt một đời Nho sinh
Với Thi, Thư, Lễ, Nghĩa
Năm vừa sáu một tuổi
Bố đau mấy tháng liền
Thức ăn gì cũng kiêng
Nhưng mỗi ngày một nặng
Một sớm thu sưởi nắng
Ở trước hè nhà ngang
Nhìn bao xác lá vàng
Bỗng dưng bố ngã ngửa
Khiêng bố vào buồng giữa
Tứ đó bố nằm luôn
Đến khi trút linh hồn
Mình có mấy đứa bạn
Phát, Hường và Giáo, Vàng.
Thằng Phát ở Đôn Lương
Mặc dù đã vào Đảng
Nhưng vẫn tiểu tư sản
Nên chơi thân với tao
Nhà ta nó ra vào
Như chính nhà nó vậy
Tao nó mang bị vải
Dạo chơi khắp xóm làng
Khi vô tới Phổ Cường
Nhà cô nó, ăn giỗ
Khi điếu thuốc tô phở
Và áo quần mặc chung.
Giữa bom đạn bão bùng
Nó thương con Kim Quy
Nhưng tình yêu có đi
Mà không được trả lại.
Nó buồn rầu tê tái
Xung phong vào Thanh Niên
Hoạt động suốt ngày đêm
Rồi bỏ đi Việt Bắc.
Tao không được nhìn mặt
Ngày nó bước lên đường
Nhưng sau ba tháng trường
Có tin nó đã chết
Trong một cuộc phục kích
Cha nó như phát điên.
Lảm nhảm suốt ngày đêm
Mẹ nó bỏ ruộng rẫy
Đậu ngoài vườn không hái
Heo chẳng buồn cho ăn
Và heo, người đều chết
Nhà vắng lại vắng thêm.
Thằng Giáo thích đọc thơ
Nhưng nói năng ấp úng
Kháng chiến cầm cây súng
Cũng chỉ được ít lâu
Xi-ta chưa bạc màu
Giải ngũ về cày cuốc
Lại trồng khoai tát nước
Phồng bỏng cả hai tay
Sang nhà ta hàng ngày
Nó ngồi lâu chẳng nói
Nhìn bếp chiều nhả khói
Hoặc vẩn vơ đầu hè
Rồi lẳng lặng ra về
Lúc nào không ai biết
Thằng Vàng luôn té sụp
Ở trước ngõ Bầu Xuân
Đám cưới được mấy tuần
Vợ bỏ đi hoang mất.
Sau mấy ngày buồn khóc
Vào kiếm tận Bồng Sơn
Rồi theo lên An Nhơn
Cũng chẳng ra tông tích
Đêm Tháp Chàm tĩnh mịch
Bóng ma hời nơi đâu?
Mây trắng vẫn một màu
Suốt ngàn năm bay mỏi.
Thằng Hường cháu Ấm Giới
Nhà ruộng ở Đề An
Đi dạy tao ghé ngang
Những đêm trăng yên tĩnh
Bỏ chõng ra đầu hè
Để nằm nghe lá tre
Thở dài trong gió nhẹ.
Rồi trải bao hưng phế
Phát vẫn tịt mù tăm
Thằng Giáo vẫn âm thầm,
Thằng Vàng lại lấy vợ,
Thằng Hường ra tỉnh ở
Làm ông chủ nhà in
Bạn bè ngày một thêm
Nào thằng Châu, thằng Phước
Chính trị có Huệ, Tùng
Họa sĩ kết thằng Cung
Thơ văn thì trào phúng
Với Vũ Hồ, Mê Cung
Ngồi buồn nói triết lý
Có Hiền, Thành, Thu Sa
Ba voi chưa đầy xị
Chuyện nước với chuyện nhà
Ôi kể sao cho hết
Rồi thì có kẻ chết
Như thằng Phước, thằng Viên
Có đứa trở thành điên
Như Thanh Quế, Đức Phổ
Ta thêm mấy đứa nhỏ
Quới, Kem, Lan, Tí, Ly
Hòe quế thật sum sê
Nói làm sao nữa nhỉ[3]
Tao chán nơi cố lý
Đổi vào dạy Sài Gòn
Trông thư em mỏi mòn
Thương mẹ già tóc bạc
Thương anh Cả ngơ ngác
Trước cảnh đời mênh mông.
Mỗi lần tao về thăm
Đều đi trong nước mắt
Làm bộ nhìn quanh quất
Đâu Quảng Ngãi quê ta?
Tao như chiếc lá già
Trong gió thu phiêu bạt
Tao ghé đít sòng bạc
Ứng cử một phát chơi
Báo hại cả chú Hai
Cũng phải đi vận động
Xin phiếu khắp các cổng
Làm dân biểu xôm ghê
Tiệc tùng và rượu chè
Ăn tục rồi nói phét
Dân mình vẫn đói rét
Bom Mỹ dội ngày đêm
Vì còn có con tim
Tao xông vào cuộc đấu
Bị tụi Thiệu chơi ẩu
Tao ngã xuống trọng thương
Đỉnh đầu nứt một đường
Chân phải thì dập nát
Trong cơn đau kích ngất
Thấy tối sầm hỗn mang
Chẳng biết lên Thiên Đường
Hay sa xuống Địa Ngục
Âm phủ và Trần tục
Với tao đều êm đềm.
Chiều nay ngồi bên thềm
Bệnh viện ngày Chủ nhật
Nắng ngoài vườn sắp tắt
Thấy hoang vắng lạ thường
Nhớ mầy thiên nhất phương[4]
Bằng tấm lòng se thắt,
Ngày mai nếu tao chết
Mày đọc hộ thư này
Cho tất cả những ai
Mà tao đã nhắc tới
Ấy điều tao mong đợi
Nơi mày và cuộc đời.
(Ngũ Hà Miên, nguyên Ủy viên Tổng vụ Cư sĩ Giáo hội Thống nhất, nguyên ủy viên H.Đ.T.S. TW GHPGVN, Dân biểu đối lập thời VNCH, Phó ban Tôn giáo Thành phố. Viết trên bệ đá hồ cá bệnh viện Sùng Chính, đường Trần Hưng Đạo, quận 5, Sài Gòn, chiều Chủ nhật 17-11-1974, trong rào kẽm gai).
Thấy chàng mãi húy hoáy, cô y tá đến phụng phịu ngăn lại:
- Bác sĩ dặn tôi coi chừng không cho ông Dân biểu được làm việc gì hết, phải tuyệt đối nghỉ ngơi. Vậy, xin mời ông lên phòng cho, kẻo bác sĩ thấy, rầy tôi đó.
Chàng thấy cô cũng đẹp, cái nhăn của Tây Thi, sao mà đáng yêu thế, bèn chiều theo.
Chú Vẹn xuống nói có người bà con ở quê vừa vô, xin được thăm. Người đó thắt cà vạt, mang kính đen gọng to bự kiểu Bảo Đại, đội mũ phớt trông phát sợ, như cớm. Tưởng ai, hóa ra Tư Phương[5] cải trang. Anh ta báo tin, chiều nay ta đánh lớn ở chợ Tân Định. Đồng bào hồ hởi lắm nhưng Phan Nguyên và Trần Lộc bị bắt.
Chàng hỏi: - Em biết địa chỉ gia đình mấy bạn ấy không?
Phương lắc đầu. Sẵn có Trần Văn Chi vào. Chàng móc túi, đưa chìa khóa cho Chi:
- Chú chạy dùm về nhà nói với chị là anh Một bảo mở cái hộc bàn lấy bài soạn Tâm lý học trong classeur màu đen để kịp nhờ người dạy thế chiều nay nhé.
Mười lăm phút sau, Chi trở lại. Thực ra, đó là xấp ghi địa chỉ của nhóm công tác nội thành. Chàng tìm đưa Chi địa chỉ hai bạn sinh viên, trao cho Tư Phương, dặn cẩn thận:
- Trong số tám trăm đô tôi đưa chú hôm trước, chú làm ơn đổi ra, đem hộ tới nhà Nguyên và Lộc cho má họ, mỗi nơi ba chục ngàn để thăm nuôi. Cả hai đều có cha đi tập kết ngoài Bắc đó.
Hồi đó ba chục ngàn bằng nửa lượng vàng. Người đau chớ việc không đau, anh em đang chiến đấu, chàng nghĩ vậy.
Cũng ngay chiều Chủ nhật đó, tại chùa Quảng Hương, thầy Hiển Pháp tổ chức cầu an cho chàng để lấy cớ tập họp bà con, hâm nóng phong trào. Nhưng cảnh sát đã đem kẽm gai phong tỏa kín mít, nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Hai hôm sau, chàng đọc được bài sau đây của giáo sư Lý Chánh Trung đăng trên báo Điện Tín, ngày 19-11-1974.
“NGAO NGÁN
Bảy giờ rưỡi sáng Chủ nhật, tôi xuống xe đò ở cuối đường Hiền Vương[6], kêu một chiếc xe ôm bảo chạy tới đường Võ Tánh. Chú xe ôm cười:
- Biết rồi. Bác đi hoài mà. Nhưng bữa nay vô không được đâu, họ chận hết ráo từ sáng đến giờ.
Chiếc xe lao đi, lạng qua, lạng lại trước đầu các xe hơi. Chú nhỏ này chạy thật huê dạng, nhưng tôi yên lòng vì biết chú không thuộc loại xe ôm đã quăng anh dân biểu Nguyễn Văn Hàm xuống đường cho xe Traction cán, mấy ngày trước đây.
Sáng hôm qua, tôi có đến thăm anh Hàm ở bệnh viện Sùng Chính. Người ta vừa phẫu thuật cho anh để ráp mấy cái xương chân đã gãy nát nên anh rất mệt, chỉ nói được vài lời. Thấy anh nằm thiêm thiếp trên giường, mới biết anh thật sự đã thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Và mới biết ơn một loại xe ôm… Anh Hàm là Tổng thư ký của Mặt trận Nhân dân cứu đói. Hôm nay anh em phát gạo cho đồng bào nghèo Sài Gòn - Gia Định, mà không có mặt anh thật đáng buồn. Nhưng anh có đi được hôm nay cũng chẳng ăn thua chi, vì họ đã chận hết ráo rồi!”.
Tuy bị thương gần chết, nhưng chàng có cảm giác ngược lại, là mình đang sống, sống một cách thật đầy đủ trong lòng anh em bầu bạn.
Thầy Thích Trí Thủ[7] cùng thầy Thiện Siêu chống gậy tới bên giường chàng, cho chàng mấy lát dương sâm mà thầy dặn phải ngậm luôn cho đến khi sức khỏe hồi phục hẳn. Cả hai ông Phó thủ tướng của ông Thiệu, Trung tướng Trần Văn Đôn và bác sĩ Phan Quang Đán, một quân sự, một xã hội, nòng cốt của chính quyền, họ không thù chàng sao?
Ông Đán coi chàng như một chiến hữu cùng chống Ngô Đình Diệm trước 1963, ông Đôn thì là Dân biểu cùng đơn vị. Họ không nhắc gì về nguyên nhân tai nạn, nhưng trong cái ánh mắt lo âu kia, chàng không nhận ra được vẻ gì giả dối. Đã có một thời như thế. Thời của những thầy Huyền Quang, Hộ Giác, Giác Nhiên cùng đi cứu trợ với chàng, cùng đùa vui. Tiếp theo, các tờ nhật báo Điện Tín, Đại Dân Tộc và Đông Phương đưa chàng vào mục Ký sự nhân vật ở trang nhất: Khi con người được phong thánh, nó không thể tiếp tục sống như người thường. Và nó phải chết. Nếu nó đã không được chết như trong trường hợp của chàng, nó trở thành vô cùng nguy hiểm cho các đối lực.
Ngày giỗ cha chàng năm ấy, vợ chàng đưa cơm vào bệnh viện bằng những thức cúng đầy màu sắc miền Trung vì có mấy đứa cháu từ quê vào thăm nấu nướng. Cá lóc um mặn với khế chua và chuối chát ướp nghệ, món ram Quảng Ngãi, càng làm chàng nhớ những ngày thơ bé.
Lại thêm một sự việc càng làm cho quá khứ sống dậy trở về. Anh chị Nguyễn Đình Trí[8] ở Vũng Tàu lên thăm. Hồi anh đi bộ đội, làm công tác tình báo, ra vô vùng bị chiếm, hoặc mỏi chân trên đường xa qua bao đồn bốt, hoặc bị sốt rét rừng hành, không bà con thân thích gì ở Quảng Ngãi, anh thường ghé về Thi Phổ cho mẹ chăm sóc.
Anh học lớp với anh Sáu Diễn, được mẹ thương như con ruột. Dạo đó cha bệnh nặng sắp chết, chàng chưa đầy hai mươi, hằng ngày vẫn tò mò quan sát hộp seringue[9] bằng sắt tây bửu bối của anh, mỗi khi anh cẩn thận soạn ra để chích quino bleu[10] cho cha.
Lúc rảnh, anh hay nằm trên chiếc võng đầu hè, nhìn nắng chiều tắt trên đỉnh núi Dàng và nghe gió lá vi vu. Ôm cái Mandoline cũ rè của chàng, anh vừa bung những tiếng khàn đặc vừa hát:
Đây là… đây hoa rừng… nầy cô em sao nàng vẫn buồn…
Chàng hay chọc anh:
- Cô em nào đâu. Chị Đào ngoài chợ Thi Phổ luôn chờ anh đó.
Đào là tên người con gái dở dang trung học Pháp, da dẻ trắng trẻo, con một bà già Tàu lai bán chạp phô ở chợ Thi Phổ. Hai người thích nhau lắm nhưng ông Tơ bà Nguyệt tiếc một sợi dây se, nên nhân duyên chưa thành.
Sau đình chiến 1954, anh về Đà Nẵng, vào làm trong Tòa Thị chính, lại bí mật tiếp tục công tác cho kháng chiến và lấy vợ. Chị người Bắc di cư, mê tín đạo Phật. Ngày đầu tiên anh lên Sài Gòn thăm gia đình chàng cách đây mấy năm, anh leo lầu thắp hương cho mẹ, khóc:
- Bác ơi! Con ở bạc quá. Bác tha lỗi cho con. Đây với Quảng Ngãi, nào có xa xôi gì, mà mấy năm trời con không thăm viếng được, đến nỗi bác mất mà con bất hiếu không thắp được nén nhang… Bác ơi!...
Anh khóc tồ tồ như một đứa trẻ con, khiến ai cũng rướm nước mắt lây. Nhìn bàn thờ có bức tượng A Di Đà bằng giấy to lồng kính, chị cung kính lễ bái và khen:
- Chú vậy là có lòng sùng mộ. Tôi rất mừng. Tôi được Phật Bà độ nên mới được như ngày nay.
Vợ chàng mong được nghe câu chuyện. Chị kể:
- Hồi đó vợ chồng con cái tôi mới rời đường Hưng Phú- Chợ Lớn xuống Bãi Sau - Vũng Tàu, khổ lắm. Nhưng tôi van vái mãi. Van vái mãi, tâm thành thì linh ứng, thím ạ. Tối đó tôi nằm mơ thấy có bà già đắp y trắng, mặt hiền hậu lắm, đến bảo:
- Ngày mai con ra biển, bà cho con cái này. Nói xong bà cụ biến mất.
Hôm sau, tôi dậy sớm, tụng thời kinh rồi ra Bãi Sau, ngồi ké trong chiếc lều lá của dân chài, miệng niệm danh Phật Bà, mắt đăm đăm nhìn ra bể. Hôm đó sóng yên bể lặng. Mãi gần trưa, vẫn không thấy có gì.
Tôi toan về nấu cơm cho mấy nhỏ đi học về ăn thì thấy có người đàn bà từ xa đi lại đang cầm một vật gì. Chị ta bận bà ba đen, đội nón lá cời, đi chân đất, đưa cho tôi một chiếc vòng đá màu xanh, năn nỉ:
- Tôi mới lượm được trên kia. Cô làm ơn mua dùm tôi lấy tiền đổi gạo trưa nay.
Tôi hỏi: - Chị muốn bao nhiêu?
Chị nói: - Cô cho tôi mười ngàn đi.
Hồi đó số tiền này bằng một lượng vàng. Tôi mân mê chiếc vòng, thầm nghĩ: - Chắc của bà cho mình đây. Rồi móc túi đưa chị ấy 10 ngàn, còn biếu thêm 50 đồng uống nước.
Linh nghiệm làm sao, tôi đeo nó có không đầy năm thì lên nước sáng trưng. Hôm tôi đi lãnh thầu làm cái trường tiểu học ở Bãi Sau, gặp bà nghị áo vàng, bồ của ông Thiệu, bả ưng quá, trả tôi những ba trăm ngàn. Có vốn, đồng tiền linh, nhà tôi thầu đâu trúng đó, có lời to, mới đặng cơ ngơi như ngày nay.
Giỗ cha chàng, mười tám tháng Mười một Giáp Dần, chính anh chị Trí thay vợ chàng mang đồ ăn ra Quảng Ngãi cho chàng. Là người duy nhất trong gia đình biết công tác bí mật của anh liên tục từ hồi chống Pháp cho tới nay, kể cả thời gian anh bỏ Đà Nẵng lên khu dinh điền của ông Diệm ở Pleiku năm sáu mươi và bị bắt giam trên ấy. Chàng tảng lơ chỉ hỏi việc làm ăn của anh.
Anh nói: - Cái đà này thì Việt cộng lấy Sài Gòn tới nơi rồi.
Chàng hỏi tiếp: - Sao anh đoán vậy? Còn bao lâu nữa?
Anh cười, nhe nguyên hàm răng vàng chói lọi:
- Thiên cơ bất khả lộ. Tao chỉ là thằng làm ăn, dân áp phe. Mày là chính trị gia chính cống, mày còn biết hơn tao, đừng làm bộ.
Chàng chối bai bải:
- Thì tôi cũng đối lập đối liếc, bầy bay vậy thôi, gió chiều nào thì theo chiều ấy. Anh có gì hay, thông báo để em út còn nhờ. Chỉ có đứa ngu như tôi mới bị chúng giết thế này đây, khôn thì đã miệng la thân lủi, chờ người ta dọn cỗ sẵn mà ngồi vào mâm chớ.
Anh nói, cho tới bây giờ chàng cũng không biết là thật hay hư:
- Lâu lắm là bốn tháng nữa Việt Cộng vô Sài Gòn. Mỹ nó đã bỏ Thiệu rồi. Ăn hại đái nát, có lạy nó, nó cũng rảy ra. Mỹ cho là chơi với Việt cộng chắc ăn hơn!
Chàng hỏi:
- Sao anh biết?
Lần đầu tiên chàng thấy con người kín như hũ nút ngay cả với anh ruột chàng đó, thổ lộ:
- Thì tao đấu thầu các công trình như lô cốt, hầm phòng ngự của Mỹ ở núi Đất và miệt rừng Minh Đạm, tao phải nhậu rượu hàng ngày với mấy thằng tướng, thằng tá, nhất là đám Mỹ đen. Vả lại, việc đã rành rành ra, ai không biết mà phải giấu.
Chàng ghi vào bụng chi tiết này. Các tin tức, càng nhiều nguồn xác minh, càng tốt. Và chàng hỏi gặng:
- Còn anh, anh tính sao?
Anh Trí không ngần ngại, nói ngay dù anh biết chàng thân Cộng, hay ít ra cũng trung lập:
- Phần tao, tao đi. Mày viết thư nói trước với thằng Diễn[11]. Đã áp phe thì phải bám đít Mỹ, trắng trợn thế thôi, màu mè gì nữa.
(còn tiếp)
Nguồn: Bão. Tiểu thuyết của Ngũ Hà Miên. NXB Lao động, 2013.
[1] Tên nghĩa trang của gia đình.
[2] Núi có hình đầu con rồng, một thắng cảnh Quảng Ngãi bên sông Trà.
[3] Tên một câu thơ trong bài Cố lý của tác giả.
[4] Ý thơ Tô Đông Pha.
[5] Tức Nguyễn Xuân Thượng.
[6] Nay là đường Võ Thị Sáu.
[7] Bấy giờ là Viện trưởng Viện Hóa Đạo Phật Giáo Việt
[8] Nguyễn Đình Trí, cùng tuổi, học cùng lớp với chàng, giáo sư Nguyễn Diễm.
[9] Ống và kim để tiêm thuốc tây.
[10] Thuốc trị sốt rét.
[11] Tức anh Sáu Diễn của chàng, bạn rất thân của anh Trí.
Tìm kiếm
Lượt truy cập
- Tổng truy cập35,903,791
Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam
Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.
*Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...
Arita Rivera Đà Nẵng Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh vô cùng thơ mộng, lãng mạn. Tiện nghi hoàn hảo, hiện đại.
Khung cảnh vô cùng thơ mộng, lãng mạn. Tiện nghi hoàn hảo, hiện đại.
Chủ khách sạn là cặp vợ chồng: Triệu Thế Hiệp - Giám đốc điều hành Công ty Đông Tây Promotion, chuyên sản xuất các chương trình Truyền hình cho VTV & HTV- và Phạm Thành Hiền Thục - Tiến sỹ Đại học Queensland Australia, đang sống & làm việc tại Australia.
Chỉ có thể là ARITA RIVERA: Vẻ đẹp Hoàn hảo!
WELCOME TO ARITA RIVERA
Located near the romantic Han River, with an architectural style heavily inspired by French architecture, Arita Rivera is truly one of the classy boutique hotels in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable, with free Wifi, 24/7 room service and complimentary afternoon tea, etc. to be suitable for visitors to the resort. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations, and a place for all those who enjoy taking photos to experience when coming to Da Nang.
The Arita Bar - Restaurant on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River.
Visitors can relax at the swimming pool at the top of the building or the Arita Spa on the 2nd floor of the hotel.
Enjoy life, enjoy Arita experience!
Đọc nhiều nhất
- Phạm Hổ - Thơ viết cho nhi đồng
- Người của giang hồ (5): Lâm Chín ngón
- Thuật quan sát người (4)
- Người của giang hồ (11): Hải bánh
- Người của giang hồ (8): Huỳnh Tỳ
- Thuật quan sát người (2)
- Vài nét về tục Cúng Mụ, đầy tháng, thôi nôi
- Vài tư liệu về Tục thờ Thánh Mẫu
- Chùm thơ về Tây Nguyên
- Chuyện Sọ Dừa