GS Trần Văn Giàu cùng phu nhân, bà Đỗ Thị Đạo bên chiếc tủ thờ mới sắm được sau khi nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1. Ảnh: Triệu Xuân.
17g10 phút ngày 16-12-2010, tôi nhận được tin từ TS Lê Sơn Phương Ngọc: Giáo sư Trần Văn Giàu đã vĩnh viễn ra đi lúc 17 giờ, tại Bệnh viện Thống nhất!
Bác Sáu Giàu vô bệnh viện gần một năm nay. Thứ ba vừa rồi, cách nay hai ngày, NTH, bạn tôi mới nhắc: Hôm nào chúng mình vô bệnh viện thăm bác Sáu, bác mệt lắm rồi, chỉ còn tính từng giờ! Chúng tôi hẹn nhau sau khi NTH đi công tác về, cuối tuần này sẽ đến thăm bác. Nào ngờ… Hay tin bác mất, lòng tôi trào lên nỗi tiếc thương vô hạn! Tôi nhớ lại những lần đến nhà riêng của bác, hồi đó ở số 70, đường Phạm Ngọc Thạch, tôi nhớ cả số phone: 8299 898. Hàng năm, chúng tôi có vài lần đến nhà để thăm vợ chồng bác, để phỏng vấn bác, để nghe bác kể chuyện, cung cấp tư liệu cho việc viết báo, viết văn. Đêm nay, tôi coi lại những bài báo mình viết về bác, coi lại những tấm ảnh tôi chụp bác, hai vợ chồng bác, và những tấm ảnh chụp tôi đang làm việc với bác… Nước mắt tôi rơi trên những tấm ảnh đen trắng đã cũ và những tấm ảnh màu còn khá mới.
Còn nhớ, khi bác Sáu Giàu nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996) về, chúng tôi hân hạnh được bác kêu tới nhà uống rượu mừng. Bác khoe chiếc tủ thờ mới mua, bằng gõ đỏ có xen mấy miếng cẩm lai. Mãi đến năm ấy bác mới mua được chiếc tủ thờ, còn trước đó, bác dùng tấm ván kê trên hai thanh sắt hình chữ L, treo trên tường làm nơi thờ cúng!
GS Trần Văn Giàu bên bàn viết. Ảnh Triệu Xuân.
Cho đến cuối đời, bác Sáu Giàu vẫn viết bằng tay, tự mình viết, không hề có thư ký. Biết bao kỷ niệm với bác Sáu ùa về… Là người thuộc thế hệ con cháu bác, làm nghề viết văn, viết báo, tôi coi bác Sáu là tấm gương lớn về nhân cách, về lòng yêu nước, trung thành với nhân dân, tổ quốc, dù có những lúc bị biết bao tai ách oan ức chằng quấn cuộc đời…
Tôi nghĩ, phải rất nhiều năm, đất nước, dân tộc ta mới có được người tài đức ngời ngời như bác Sáu Giàu!
Thành phố Hồ Chí Minh, đêm 16-12-2010
Triệu Xuân
www.trieuxuan.info |