Không thể chủ quan với bùn đỏ
Sau thảm họa vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary, nhiều ý kiến cho rằng đó là lời cảnh báo nghiêm túc đối với các dự án khai thác bôxit tại VN. Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe - trưởng ban phản biện xã hội, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN - nói:
- Tôi rất chú ý đến sự kiện này. Rõ ràng đó là một lời cảnh báo cho VN khi chúng ta đang tiến hành khai thác bôxit ở Tây nguyên. Hungary là một nước có cả lịch sử hàng trăm năm khai thác bôxit và Công ty Sản xuất và kinh doanh bôxit - nhôm Hungary là công ty rất lớn, có kinh nghiệm hơn chúng ta nhiều. Sự cố của họ nói với chúng ta rằng tuyệt đối không thể chủ quan với bùn đỏ.
Doanh nghiệp khai thác khẳng định bùn đỏ sẽ được chôn rất cẩn thận. Nhưng điều đó không có nghĩa là 20-30 năm sau nó vẫn được làm cẩn thận và an toàn tuyệt đối. Cần lưu ý độ pH trong bùn đỏ khoảng 13, nghĩa là gấp khoảng 1 triệu lần độ pH an toàn. Nếu sự cố xảy ra ở Tây nguyên, bùn đỏ trôi xuống sông Đồng Nai thì tính mạng, sức khỏe hàng chục triệu người bị đe dọa.
* Thưa ông, bôxit ở Tây nguyên và địa hình, địa chất ở đây có đặc điểm gì khiến quá trình khai thác cần phải lưu ý?
- Bôxit Tây nguyên là phần tàn dư của vỏ phong hóa laterit trên đá basalt được hình thành từ nhiều triệu năm, khác hẳn loại bôxit tái trầm tích nằm xen trong các tầng đá vôi ở Hà Giang, Lạng Sơn và nam Trung Quốc. Bôxit Tây nguyên là bộ xương cứng của vỏ phong hóa, là phần cấu trúc quan trọng của địa hình cao nguyên. Do là sản phẩm của vỏ phong hóa tàn dư, dù là ở vùng đồi trọc hay bất cứ sinh cảnh nào, bôxit Tây nguyên cũng nằm trên đỉnh cao các dạng địa hình dương trên cao nguyên và là bộ xương khá vững chắc của các dạng địa hình này.
Bôxit có trữ lượng lớn ở Đắk Nông - tỉnh nằm trên mái nhà của nam Tây nguyên, nơi nước chỉ chảy đi mà không chảy đến. Điều này cho thấy nguồn cung cấp nước tại chỗ rất hạn chế cho các hoạt động sản xuất cần nhiều nước như khai thác bôxit và sản xuất alumin, hoạt động xói mòn đất mãnh liệt chắc chắn gây hại cho các vùng hạ lưu. Nếu sự cố vỡ hồ bùn đỏ xảy ra tại đây sẽ nhanh chóng phát tán xuống các vùng hạ lưu và rất khó có thể kiểm soát được.
Vấn đề hoàn thổ sau khi khai thác cũng rất khó khăn. Chúng ta đã có thực tế là mỏ bôxit Bảo Lộc (Lâm Đồng) khai thác 33 năm nay, phục vụ việc sản xuất phèn chua để lọc nước tại TP.HCM. Hằng năm mỏ này sản xuất 120.000 tấn quặng tinh (sản lượng rất nhỏ so với dự án khai thác ở Nhân Cơ hoặc Tân Rai). Vậy mà sau 32 năm khai thác mới chỉ hoàn thổ được khoảng 2ha trong số 36ha đã khai thác. Tôi khẳng định vùng đất hoàn thổ là vùng bị nhiễm độc sắt (Fe) và nhôm (Al) sẽ là vùng đất nghèo, tuy có thể phục hồi nhưng sẽ rất tốn kém và mất nhiều thời gian.
Thi công xây dựng dự án tổ hợp bôxit - nhôm Lâm Đồng tại thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Dự án dự kiến đi vào hoạt động từ quý 1-2011
* Như vậy, việc khai thác bôxit ở Tây nguyên với quy mô lớn sẽ tạo ra các hồ bùn đỏ khổng lồ?
- Bùn đỏ là chất thải không thể tránh được của khâu chế biến bôxit thành alumin, gồm các thành phần không thể hòa tan, trơ, khá bền vững trong điều kiện phong hóa như hematit, natrisilico-aluminate, canxi-titanat, mono-hydrate nhôm và đặc biệt chứa xút - hóa chất độc hại dùng để chế biến alumin từ bôxit... Tất cả các chất trên dù tồn tại dưới dạng ướt hay bụi đều ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người nếu tiếp xúc với nó.
Theo quy trình hiện nay, muốn sản xuất 1 tấn alumin phải thải ra khoảng 1,5 tấn bùn đỏ. Theo các báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án bôxit Nhân Cơ, nước thải và bùn đỏ có khối lượng tới hơn 11 triệu m3/năm. Tính toán ban đầu cho thấy dự án Nhân Cơ sau 15 năm khai thác dung tích hồ chứa bùn đỏ lên đến gần 9 triệu m3, và nếu khai thác ở Tân Rai thì cả đời dự án thải ra 80-90 triệu m3 bùn đỏ. Như vậy chúng ta cần những hồ chứa có dung tích rất lớn.
* Sau thảm họa bùn đỏ ở Hungary, ông mong muốn gì cho việc xử lý bùn đỏ ở Tây nguyên?
- Trước hết, cơ quan chức trách phải giám sát thật chặt quá trình khai thác, hồ bùn đỏ phải quan trắc thường xuyên, liên tục. Nhưng tốt nhất là cần phải tính xa cho tương lai, bây giờ và trong quá trình khai thác người ta nói là chôn vĩnh viễn, quan trắc thường xuyên, nhưng khi khai thác xong thế hệ sau có trông coi vĩnh viễn cái hồ bùn đỏ đó không?
Theo tôi, tốt nhất, như kiến nghị của nhiều nhà khoa học, khai thác bôxit ở Tây nguyên xong chuyển xuống Bình Thuận để chế biến, trong trường hợp xấu nhất nếu hồ bùn đỏ vỡ hoặc rò rỉ xuống biển thì đỡ gây tác hại hơn vì biển có nhiều nước dễ trung hòa độc tính. Treo hồ bùn đỏ trên cao nguyên vĩnh viễn có nghĩa là nguy cơ gây ra thảm họa môi trường cũng là vĩnh viễn.
* Doanh nghiệp khai thác bôxit cam đoan đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hồ bùn đỏ, ông nghĩ sao?
- Tôi được biết theo thiết kế, đáy hồ chứa sẽ được lót một lớp đất sét và một lớp vải kỹ thuật, hồ được chia thành một số khoang và có xây dựng hệ thống hào ngăn nước mưa. Phần bùn khô lắng dần sẽ được phủ một lớp vải địa kỹ thuật chống thấm, rồi phủ một lớp đất dày 1m. Có thể hi vọng hồ sẽ được bảo vệ và tu bổ tốt, đảm bảo an toàn trong giai đoạn sản xuất.
Nhưng sau đó thì sao? Các hồ bùn đỏ vì được chôn vĩnh viễn trên cao nguyên nên sau khi dự án kết thúc không thể lường trước được do khi đó chủ dự án đã hết trách nhiệm, còn lại là các hồ bùn đỏ khổng lồ được treo trên “mái nhà”, một vùng có nguy cơ xói lở rất cao. Vấn đề xói lở các hồ chôn bùn đỏ trên cao nguyên luôn đe dọa môi trường tại chỗ và vùng hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai.
LÊ KIÊN thực hiện
Một cảnh báo rất nghiêm túc cho Việt Nam
Trao đổi với Tuổi Trẻ về sự cố vỡ đập tràn bùn đỏ gây thảm họa nghiêm trọng tại Hungary, ông Vũ Mạnh Hùng - phó tổng giám đốc, người phát ngôn Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) - cho biết lãnh đạo TKV sẽ có phân tích, đánh giá, rút kinh nghiệm.
Theo ông Hùng, điều cơ bản nhất là nước thải bùn đỏ từ quá trình khai thác, chế biến bôxit ở Việt Nam là có, nhưng có thể không giống loại nước thải đang gây nguy hại nghiêm trọng đến môi trường ở Hungary do đặc tính lý, hóa khác nhau. Ông Hùng khẳng định quá trình xây dựng, làm nhà máy alumin ở Việt Nam sẽ phải đảm bảo công nghệ theo chuẩn quốc tế, sẽ tính đến khả năng ngăn ngừa, tránh được những sự cố như ở Hungary.
Ông Dương Văn Hòa, phó tổng giám đốc trực tiếp phụ trách dự án bôxit của TKV, cho biết theo thiết kế, cả hai nhà máy chế biến bôxit ở Việt Nam tới đây mỗi năm sẽ thải ra khoảng 1,3 triệu m3 bùn đỏ. Tuy nhiên, thiết kế của các hồ chứa bùn - chất thải của quá trình chế biến bôxit tại Việt Nam sẽ đảm bảo lưu giữ cho đến khi hoàn nguyên, tái sử dụng được. Việc lưu giữ bùn đỏ sau quá trình sản xuất, theo ông Hòa, sẽ không tập trung vào một hồ lớn mà chia thành nhiều ô khác nhau. Quá trình xây dựng các ô chứa sẽ đảm bảo luôn có một ô dự phòng nhằm sẵn sàng ngăn chặn, ứng cứu nếu xảy ra sự cố, đảm bảo hạn chế tối đa khả năng bùn tràn ra khu vực xung quanh.
Ông Hòa khẳng định việc thiết kế hồ đã được làm một cách nghiêm túc, có tính đến các khả năng sự cố và đã được cả một hội đồng khoa học của Bộ Công thương xem xét, đánh giá. “Chúng tôi không cho sự cố ở Hungary là bình thường mà đó là một cảnh báo rất nghiêm túc. Cảnh báo đó sẽ được nghiên cứu để đề phòng các tình huống xấu. Chúng tôi sẽ cẩn trọng hơn trong thi công để đảm bảo tốt nhất cho môi trường Việt Nam, đặc biệt ở khu vực chế biến bôxit tại Lâm Đồng” - ông Hòa nói.
Trong khi đó, theo một quan chức khác của TKV, với một quốc gia mới bắt tay vào ngành công nghiệp nhôm như Việt Nam, có thể phải cần nghiên cứu trực tiếp và kỹ sự cố ở Hungary để phòng tránh. Dù có thể không độc hại đến mức gây bỏng ngay, tiêu diệt sinh thái nếu tiếp xúc trực tiếp như Hungary nhưng nước thải, bùn đỏ của quá trình chế biến bôxit ở VN cũng có nhiều chất độc hại không kém nếu để rò rỉ vào nguồn nước sông. Đặc biệt với khu vực Tây nguyên có độ dốc cao, là khu vực sinh thái quan trọng, sẽ phải tính toán kỹ hơn để nếu cần thiết thì tăng thiết bị an toàn trong thiết kế nhằm ngăn chặn bùn đỏ có thể tràn ra môi trường - vị quan chức TKV nói.
C.V.KÌNH
Bùn đỏ rất độc
Theo tài liệu hội thảo khoa học “Vai trò của công nghiệp khai thác bôxit - sản xuất alumin - nhôm đối với phát triển kinh tế - xã hội Tây nguyên và những yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, văn hóa khu vực” do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN cùng Bộ Công thương tổ chức hồi tháng 4-2009, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe - trưởng ban phản biện xã hội, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN - cho rằng bùn đỏ là chất thải không thể tránh được của khâu chế biến bôxit thành alumin, gồm các thành phần không thể hòa tan, trơ, khá bền vững trong điều kiện phong hóa và đặc biệt là chứa xút - một hóa chất độc hại dùng để chế biến alumin từ bôxit. Theo tính toán, với dự án Nhân Cơ, dung tích hồ thải bùn đỏ sau 15 năm lên tới 8,7 triệu m3, tổng lượng bùn đỏ phải tích trên cao nguyên trong cả đời dự án Tân Rai khoảng 80-90 triệu m3.
“Đặc trưng của bùn đỏ là có kích thước rất mịn. Do đó, bùn thải khi khô dễ phát tán bụi vào không khí gây ô nhiễm, tiếp xúc thường xuyên với bụi này gây ra các bệnh về da, mắt. Nước thải từ bùn tiếp xúc với da gây tác hại như ăn da, gây mất độ nhờn làm da khô ráp, sần sùi, chai cứng, nứt nẻ, đau rát... Đặc biệt khả năng gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và nước mặt là rất cao khi lưu giữ bùn với khối lượng lớn trong thời gian lâu dài. Lượng bùn này phát tán mùi hôi, hơi hóa chất làm ô nhiễm, ăn mòn các loại vật liệu” - TS Hòe khẳng định.
LÊ KIÊN
Lũ bùn đỏ ở Hungary: Thảm họa được báo trước
Báo chí Hungary đang nêu lên câu hỏi: Điều gì đang ẩn giấu đằng sau thảm họa bùn đỏ?
Không ảnh cho thấy bức tường bị vỡ của bể chứa ở Nhà máy bôxit - nhôm Ajka tại Kolontár - Ảnh: AFP
Một số báo đặt rõ trách nhiệm của Công ty Sản xuất và kinh doanh bôxit - nhôm Hungary (MAL) khi nhấn mạnh: trong khi nguyên nhân thảm họa còn chưa được xác định, thế mà MAL đã vội lên tiếng khẳng định “bùn đỏ được lưu trữ trong những bể chứa tuân thủ đúng theo các quy định, an toàn và còn được trang bị những màn hình theo dõi”. Bằng cách này, họ đang muốn nói rằng phải quy trách nhiệm gây nên thảm họa này cho thời tiết, cụ thể là những cơn mưa lớn cuối mùa qua.
Cần nói ngay rằng tình hình thời tiết của Hungary là không thể không dự báo trước được. Hơn nữa, không thể không thấy trước những cảnh báo của các chuyên gia. Việc đổ “tội” cho ông trời chỉ là một cách né tránh trách nhiệm.
Trong khi đó nhiều báo khác, đáng chú ý là báo Komment.hu, chỉ rõ nạn bùn đỏ là một thảm họa đã được báo trước do một chính sách ưu tiên sai lầm trong bảo vệ môi trường!
Trong xã luận ngày 8-10, báo này viết: “Thời gian qua, Hungary đã tập trung mọi nguồn lực vào hoạt động xử lý và tái chế rác thải gia đình mà xem nhẹ rác thải công nghiệp, vốn không chỉ nhiều về số lượng mà còn độc hại hơn, ẩn chứa nhiều nguy cơ hơn cho sức khỏe và môi trường.
Trong khi cứ 10 năm Hungary lại hứng chịu một thảm họa công nghiệp và còn biết bao quả bom sinh thái hẹn giờ đang rình rập, đất nước chúng ta lại đổ ra hàng tỉ euro vào rác thải gia đình đến mức người ta nói kẻ thù chung nguy hiểm số 1 của chúng ta là chai nhựa. Nhưng thử xem những chai nhựa này nào có gây bỏng chết người, nào có tàn phá ngôi nhà nào, nào có biến đất đai trở nên vô sinh, nào có tàn phá các tuyến đường sắt!”.
Trong quá khứ từng có rất nhiều cảnh báo của các tổ chức và các chuyên gia về môi trường. Ủy ban quốc tế bảo vệ sông Danube, trong một khảo sát được công bố năm 2006, đã báo động Nhà máy Ajka Timföldgyár nằm trong danh sách 150 cơ sở công nghiệp có nguy cơ cao đe dọa gây ô nhiễm sông Danube.
Chuyên gia hóa học Gergely Simon, thuộc Nhóm hành động vì không khí sạch Hungary (CAAG), cho biết từ năm 2003 CAAG đã cảnh báo chính quyền lúc đó của thủ tướng Peter Medgyessy về nguy cơ bể chứa chất thải của các nhà máy bị vỡ. Đáp lại, CAAG chỉ nhận được “một sự im lặng đáng sợ"!
Di tản dân trước nguy cơ lũ bùn đỏ mới
Chính quyền Hungary, do lo ngại cơn lũ bùn đỏ độc hại thứ hai, đã ra lệnh di tản toàn bộ dân làng Kolontár và Devecser gần Nhà máy bôxit - nhôm Ajka Timföldgyár ở thị trấn Ajka, Hãng tin MTI của Hungary dẫn lời ông Dobson Tibor, người phát ngôn Lực lượng chống thảm họa Hungary, cho biết. Bể chứa chất thải của Nhà máy Ajka Timföldgyár đang có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn vì một vết nứt mới nơi con đê bảo vệ bể chứa.
“Việc di tản đã bắt đầu từ 6g sáng (giờ địa phương), sau khi chúng tôi phát hiện con đê bảo vệ bể chứa thứ 10 bị suy yếu - ông Dobson Tibor nêu rõ - Lệnh di tản đã được Bộ trưởng Nội vụ Sandor Pinter quyết định. Ông đã trực tiếp có mặt trong cuộc họp của ủy ban quốc phòng địa phương vào sáng sớm thứ bảy”.
Kể từ khi xảy ra thảm họa môi trường vào ngày 4-10, đến nay đã có bảy người thiệt mạng.
Khoảng 800 dân làng Kolontár và Devecser đã được đưa lên xe buýt tới thị trấn Ajka, cả các đại diện của báo chí Hungary và quốc tế cũng bị buộc phải rời khu vực. “Họ sẽ chỉ được phép trở về một khi con đê bảo vệ bể chứa chất thải được gia cố” - ông Dobson Tibor khẳng định.
Những nhà lãnh đạo cao nhất của Hungary đã có mặt tại hiện trường: Thủ tướng Viktor Orban, Bộ trưởng Quốc phòng Csaba Hende, Chỉ huy trưởng cảnh sát quốc gia Jozsef Hatala và Tổng chỉ huy các lực lượng chống thảm họa Gyorgy Bakondi.
Trái với sự lạc quan qua những tuyên bố của các quan chức Hungary về mức độ và quy mô tác hại của bùn đỏ, các tổ chức môi trường lại đang tỏ ra lo ngại. Tổ chức Hòa bình xanh ước tính 700.000m3 bùn đỏ đã chảy ra môi trường chỉ vài giờ sau khi tai nạn xảy ra, không ít hơn là bao so với tổng lượng dầu thô đã chảy ra vịnh Mexico mới đây.
Các xét nghiệm tại hiện trường còn cho thấy bùn đỏ chứa một hàm lượng độc chất có nguy cơ rất cao là thạch tín và thủy ngân.
Nhà sinh học Benedek Javor, chủ tịch Ủy ban môi trường Quốc hội Hungary, như Hãng tin AOL cho biết, đã lên tiếng cáo buộc “các quan chức chính quyền không nói dối, nhưng họ đang cố tỏ ra lạc quan với thế giới trong khi tình hình thực tế không như vậy. Họ đang cố giảm nhẹ sự nghiêm trọng, một phần vì du lịch, phần khác vì một số quốc gia đã bắt đầu từ chối mua nông sản từ Hungary”.
Các chuyên gia cũng xác định phải vài ngày nữa mới biết độc chất từ bùn đỏ có ngấm vào nguồn nước ngầm của khu vực hay không.
HIẾU TRUNG
tuoitre.vn |