Trần Ngọc Hường. Tên thật là Trần Văn Sáu, sinh năm 1950 (Canh Dần), tại Tân Thới, tỉnh Tiền Giang. Là cán bộ giảng dạy môn Ngữ văn tại trường Cao Đẳng Sư Phạm Long An.
Giữa vườn xa
Trôi giạt mênh mông miền cổ tích
Mải mê sông nước bóng dừa chao
Xuồng con đưa khách về thăm đất
Gác mái dầm lên đậu bến nào!
Giữa triều sóng dội. Chiều đang xuống
Lòng chợt cồn lên tíeng mõ tre
Gom nắng ngọn dừa như nhóm lửa
Cho người bước chậm lắng tai nghe
Bốn mặt cù lao ngàn sóng vỗ
Một vòm lá biếc thoáng mùi hương
Vườn xưa má vẫn ngồi đun bếp
Ngọn khói xanh mềm thêm vấn vương
Gốc cây nào nhỉ? Căn hầm cũ
Má giấu nuôi ai có một thời
Ai được chở che trong bóng mát
Mênh mông lòng má biển khơi ơi!
Phố chợ đi về từ buổi ấy
Từng ngày gian khổ nhớ hay quên
Tiện nghi khỏa lấp căn hầm cũ
Từng phút bon chen đánh mất mình.
Ai xây vườn rộng nhà cao ấy
Có trĩu lòng thương tuổi má già
Mái lá một vuông xiêu vẹo mãi
Áo còn lấm đất giữa vườn xa
Bến Tre, 1988
Về rẫy ăn còng
Gió đưa, gió đẩy. Về rẫy ăn còng.
Dân ca Nam Bộ
Đất bãi miền ven biển ấy
Mái dầm khua nước bến sông
Gíó có đưa ai về rẫy
Mà thơm mặn vị mắm còng
Ký ức bừng lên đầm đậm
Thời thơ dại ấy đây rồi!
Mặt đồng dấu chân lấm tấm
Còng quều, còng lửa, cong vôi
Còng nào trốn vào câu hát
Ru con lời mẹ mặn mà
Mắm còng món ăn đạm bạc
Thơm vào cả khúc dân ca.
Đâu thể nào quên dáng mẹ
Bắt còng đồng cạn lom khom
Tuổi thơ qua rồi lặng lẽ
Lòng người lời hát còn thơm
Mười năm xa quê cầm súng
Chiều nay sao chợt bồi hồi
Câu hát nào theo nhịp võng
Ai ru lan vào hồn tôi!
Kỷ niệm hồng lên ngọn lửa
Bập bùng sức mạnh bên trong
Hành quân lòng ai chan chứa
Thơm sâu vị mặn mắm còng.
Miền Hạ Cần Giuộc, 1984
***
Đỗ Hướng, sinh năm 1945 (Ất Dậu), tại huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Công tác trong ngành Giáo dục Khánh Hòa.
Tự Họa
Lặng soi mường tượng mặt tình
qua tai miệng thế tôi hình dung tôi
Trót thương từng chuyện lởt bồi
Bẫy người mong gỡ ra thời hoàng kim
Lợi danh lạnh trắng nỗi niềm
Sóng yêu ghét động tĩnh tìm bản tâm
Tự răn chạm góc lỗi lầm
thả rơi cảm cảnh tím bầm chân son
Như nhiên trước lẽ mất còn
Rửa lòng trong đợi cháu con thành người
Đổ công vun tắm cây đời
chắc tinh hoa vận khóc cười vào thơ
Mở lòng nhận tiếng ngu ngơ
trượt dòng hư thực chong giờ hoàn nguyên.
12 - 2004
*
Giọt trăng
Giọt trăng treo nơi vách
rung rinh theo nhịp đưa
Lắc lư cành vẫy gió
cùng ánh trăng nô đùa
Giọt trăng phơi đầu cỏ
chảy trên lá trên hoa
Tung tăng em lội vớt
đầy vườn trăng bao la
Trăng! Trăng như đĩa ngọc
chênh chênh nơi lòng ao
Em đào hoài chẳng tới
Hiểu đất sâu, trời cao.
2005
Trần Công Hữu sinh năm 1929 (Kỷ Tị), tại Hải Phòng. Hay làm thơ cho thiếu nhi.
Lục bát với chị tôi
Kính viếng hương hồn chị Phúc
Bài thơ “Lỡ bước sang ngang”
Chị ru em kỷ niệm vàng hằng đong
Nghĩa trang chị có lạnh không
Muốn vô thăm chi, em trông cửa nào
Tuổi em hạn đợi mưa rào
Toàn điều eo óc xỉa vào chị ơi!
Miền Nam, cách đất xa trời
Nén hương cho chị, ai người hôm nay?
Trời xuân điểm én chao mây
Mà như dao khắc, tháng ngày cảm thương
Chiếu chăn em vẫn lẻ đơn
Chuyện vợ con cứ cánh chuồn lửng bay
Tình suông bạc bẽo trắng tay
Con số không cứ mỗi ngày tròn hơn
Ánh trăng nửa tiếc, nửa hờn
Phần thì xa lánh, phần còn cứu mang
Có năm: sinh nhật nến tàn
Em “tôi lửa trắng” mê man hàng giờ
Đứa em tàn tật khi xưa
Bây giờ, mãi tự bao giờ khác đâu
Áo cơm giằng xé nát nhàu
Tứ thơ héo lẫn dưa rau chợ đời
*
Di cư từ ấy chị ơi
Buôn thua bán lỗ, ngược xuôi cùng đường
Mỏi mòn đứt gánh tha hương
Một trưa bệnh viện mưa tuôn nhạt nhòa!..
Rồi đêm giường trống quê nhà
Em nghe tiếng chị khóc oà gọi tên
Tỉnh ra màn vẫn buông đen
Ngoài kia chưa sáng, tim em lặng rồi
Thét toang lồng ngực “chị ơi”
Cười điên! giông tố đầy trời lá bay
*
Tưởng khi chị bế trên tay
Tâm linh em thắp đủ đầy tuần hương
Nhoài qua giậu gió, vườn sương
Đốt lên thành khói
chị nương
chị về!
Mồng 3 Tết Nhâm Thân, 1992
Hoàng Hữu sinh năm 1915 (Ât Mão), tại Hà Nam Ninh, mất năm 1981.
Hai nửa vầng trăng
Tình cờ anh gặp lại vầng trăng
Một nửa vầng trăng thôi, một nửa
Trăng vẫn đấy mà em xa quá
Nơi cuối trời em có ngóng trăng lên?
Nắng tắt đã lâu rồi, trăng thức dậy dịu êm
Trăng đầu tháng có lần em ví
Chữ D hoa như vầng trăng xẻ nửa
Tên anh như nửa trăng mờ tỏ
Ai bỏ quên lặng lẽ sáng bên trời
Ơi vầng trăng theo con nước đầy vơi
Trăng say đắm dào trên cỏ ướt
Trăng đầu tháng như đời anh
chẳng thể nào khác được
Trăng cuối tháng như đời anh hao khuyết
Em đã khóc
Trăng từng giọt tan vào anh mặn chát
Em đã khóc
Nhưng làm sao tới được
Bến bờ anh tim dội sóng không cùng
Đến bây giờ trăng vẫn cứ còn xanh,
Cứ một nửa, như đời anh, một nửa
Nhưng trăng sẽ tròn đầy, trăng sẽ
Trăng viên mãn cuối trời đêm đêm em có nhớ?
Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau. (8 1981)
***
Lê Thi Hữu
Người áo trắng
Ta tương tư tự thuở nào
Cái người áo trắng bay vào nhà bên
Cái người ta chẳng biết tên
Mà sao cứ nhớ đến quên mọi người
Ta hay nhìn lên nụ cười
Lén nhìn rồi lại như người tương tư
Tương tư buồn đến thê ư?
Giá như nàng hiểu
Giá như nàng mừng
Đằng này nàng cứ dửng dưng
Dửng dưng như thể chưa từng biết ta
Ta mang mắc sợi trăng già
Giăng qua cái lối nàng qua mọi lần
Bữa ni nàng lại dừng chân
Mời ta mốt đến dự phần vu quy
Rồi, nàng thả bước mê ly
Mặc ta hóa gã Trương Chi một mình
Chính Hữu
Phố Hàng Lược
Từ nguồn ngoại thành màu xanh như nưỡc
Niềm vui sang xuân đổ vào hàng Lược
Làm nên một con suối hoa
Ai đến chợ này sẽ gặp
Những cô gái như từ trong tranh Tết bước ra (*)
Dù ai đi đâu về đâu
Dù ai yêu nhau hay là ghét nhau
Những ngày cuối năm vẫn trẩy Hàng Lược
Để tìm một sự bắt đầu.
Đây là con sông Tô Lịch
Chỗ nào là chợ Cầu Đông? (**)
Chỉ thấy trong dòng hương và màu của hoa đào
hoa cúc
Một thoáng bâng khuâng dấu tích
Của tình yêu đời từ thuở cha ông
Xuân 1984
Chú thích của tác giả:
(*) Anh học trò nghèo Tú Uyên đời nhà Lê trọ học ở chùa Bích Câu, ngày xuân đi chợ Cầu Đông (gần hàng Lược ngày nay), mua một bức tranh Tết, treo trong phòng. Cô gái trong tranh bước ra cùng anh kết duyên làm nên câu chuyện tình nổi tiếng của Hà Nội cũ.
(**) Những thế kỷ trước, sông Tô Lịch từ sông Hồng vào, qua Cầu Đông (ở ngã tư Ngõ Gạch hàng Đường ngày nay) đổ vào nơi bây giờ là phố Hàng Lược. Từ thời nhà Lý các làng Nghi Tàm, Võng Thị ngoại thành đã có truyền thống trồng hoa đem vào bán ở nội thành.
Hai người bộ hành
Cháu dắt ông đi
Hai ông cháu mình vừa đi vừa học.
Ông dạy cháu biết tất cả những gì
có ở trên trời dưới đất.
Còn cháu thì dạy ông biết
Cuộc đời này ngắn, nhưng ông đừng buồn,
Vì nó Vĩnh hằng Tiếp tục.
Đường vào thế kỷ Hai Mốt,
Hai người bộ hành một cháu, một ông
Những bước đầu tiên đi song song
Bên những bước cuối cùng.
Như một di truyền thế hệ,
Cháu sẽ yêu, như ông bà, như cha mẹ
Dưới gió, dưới mây,
Những phố, những cây,
Dù ở nơi này
Nay mai vắng vẻ
Dáng hình ông.
2 – 1998
Tố Hữu
Một tiếng đờn
Mới bình minh đó, đã hoàng hôn
Đang nụ cười tươi, bỗng lệ tuôn
Đời thường nắng sớm chiều mưa vậy
Khuấy động lòng ta biết mấy buồn!
Ôi! Kiếp trăm năm được mấy ngày
Trời xanh không gợn bóng mây bay
Gian nan vẫn thủy chung bè bạn
Em ấm tình yêu mỗi phút giây!
Có khổ đau nào đau khổ hơn
Trái tim tự xát muối cô đơn
Em ơi, nghe đó Trong đêm lạnh
Đằm thắm bên em, một tiếng đờn!
20 - 2 -1991
Trang Thế Hy
Sinh năm 1924 (Giáp Tý), tại tỉnh Bến Tre. Hiện sống tại Bến Tre.
Lời nói dối nhân ái
Gió nói với chiếc lá úa:
“Trong vòng tuần hoàn bất tận của kiếp lá,
màu vàng của mi trong khoảng khắc này
là nét đẹp vĩnh hằng của nhan sắc
mùa thu tàn phai nhanh;
Đừng buồn, cái đẹp nào cũng phù du
vì chỉ có cái phù du mới đẹp”
Lá biết gió nói dối nhưng lá vẫn vui vẻ
bay vèo theo gió.
“CHÀNG thấy NÀNG đẹp rồi chàng mới yêu
Anh thì ngược lại, anh yêu em trước
rồi sau đó mới biết rằng em đẹp”
Lời nói dối ngược ngạo luật phản xạ của anh chồng
làm ửng hồng đôi má cô vợ trẻ
Cô gái nói với ông già:
“Bố đẹp lão quá! Hồi còn trai chắc bố có số đào hoa”
Ông già héo queo như cây kiểng còi uống lời nói dối
cực kỳ khó tin của cô gái
như uống giọt nước thần có được chất hồi xuân
Tiếc thay! Những lời nói dối ta phải nghe hàng ngày
lại là những lời nói dối không nhân ái.
1989
Nguồn: Rút từ Tiếng Việt qua thơ tình mười thế kỷ, Khảo luận về thơ Việt Nam của Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Tuấn, NXB Văn hóa Thông tin, quý I năm 2010.
www.trieuxuan.info
|