Mong em về trước cơn mưa
Thu Bồn
Mong em về trước cơn mưa
Mây giăng kín núi đò chưa cặp cầu
Thương em nhiều nỗi nông sâu
Truân chuyên con nước biết đâu anh dò
Ba mươi năm một chuyến đò
Chưa xong chuyến, lại thân cò sang sông
Trăm năm một cõi bềnh bồng
Chua chanh chát muối vẫn nồng trầu cau
Em còn đợi chuyến đò sau
Hay là không thể đợi nhau bờ này?
Em về lấp tóc chẻ mây
Buộc anh đứng lại làm cây sông Hàn
Để cho anh với Bạch đàn
Ngẩn ngơ che nắng, ngỡ ngàng trú mưa.
Lòng an như tấm vải thưa
Em con mắt thánh đung đưa ước gì
Thôi đừng cong nữa làn mi
Trời cho đôi mắt khỏi đi đường vòng.
Lòng anh như con nước ròng
Biển đau rát ruột cua còng chỏng trơ
Lấy khăn mà gói bơ vơ
Tay cầm nước mắt bao giờ sang sông
Gặp mênh mông cũng mênh mông
Nắng qua bao chuyến mà không nhạt nhòa
Lòng anh rúc tiếng tù và
Gọi đò mãi bỗng nhớ ra gọi mình.
Ba nén hương
Hoàng Cát
Nén hương này con thắp giỗ mẹ
Bom ập đến, mẹ lìa cõi thế.
Nén hương này anh thắp giỗ em
Em ở lại miền Nam, không có mộ để anh thăm.
Nén hương này tôi thắp giỗ chân tôi
Chiến tranh cướp đi hai chục năm rồi.
Ba nén hương. Một mình tôi làm giỗ
Giỗ chính mình. Giỗ mẹ. Giỗ em tôi...
Lại về Buôn Mê Thuột
Hoàng Trần Cương
Buôn Mê Thuột không còn “buồn muôn thuở”
Rộn tiếng xe reo, bộ đội về.
Chiến hào xưa âm vang cuốc xẻng
Tiếng cười bật sáng hoàng hôn.
Võng bạt quây thành xóm nhà binh
Suối hẹp, người đông đùa inh ỏi
Đêm đến khắp rừng ran tiếng nói
Véo von sáo trúc thổi trăng lên.
Ngày nghỉ ở đây đời tươi thế
Lần theo nẻo cũ, ta về thăm
Đâu nơi phục kích ròng đêm trắng
Đâu chốn xe tăng giặc gục nằm.
Đâu những thân cây từng khắc dấu
Nơi quần nhau với sốt rét rừng
Đâu phiến đá thay bia tạm dựng
Nơi bạn yên nằm dưới bóng xanh.
Mặt đất hôm nay bừng sắc lửa
Nhát cuốc khơi lên những mạch ngầm
Dao lóe nắng ngàn, quang rừng rậm
Bụi mờ khe đá, tiếng mìn vang.
Tiếng cu gù chao cả nắng trưa
Trời Tây Nguyên xanh màu lá lúa
Bao la đất đỏ mùa nối mùa
Rộn tiếng mõ trâu, rền tiếng máy.
Dấu giày hôm nay trùng dấu dép cao xu
Của những sư đoàn hành quân dạo trước
Trong mỗi dấu chân mưa rừng chưa xóa được
Đã bồn chồn bật dậy một mầm xanh.
Tây Nguyên, 1976
Lời thơ trên võng cáng
Nguyễn văn Dinh
Anh nằm trên võng đung đưa
Giữa cơn chớp giật đêm mưa đường rừng
Bạt che kín mít như bưng
Vẫn nghe vai trở theo từng bước lên
Con đường dốc lắm hở em?
Mà nghe những tiếng thở chuyền nối nhau
Lâu lâu em hỏi:- Có đau?
Anh làm sao nói được câu trả lời
Vết thương buốt lắm em ơi
Mà nghe chân bước thế rồi lại êm
Tiếng bom vẫn dội vang rền
Tiếng rừng trút lá trong đêm ào ào
Nghe như bước lội lao xao
Phải khe nước chảy rì rào đó em?
Trượt chân mà cáng không nghiêng
Vẫn là câu hát bay trên võng nằm.
*
Đi trong gió núi mưa ngàn
Anh nghe rất rõ tiếng bàn chân em.
5-1972
Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Phạm Tiến Duật
Không có kính, không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi,
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất nhìn trời nhìn thẳng
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái
Không có kính, ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.
Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn mưa xối, như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cay số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.
Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh bên đường xe chạy
Lại đi, lại đi, trời xanh thêm.
Không có kính rồi không có đèn
Không co mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
Cô bộ đội ấy đã đi rồi
Cô bộ độí ấy đã đi rồi
Chuyển đơn vị vào vùng rừng trong ấy
Em gái đi, các anh ở lại
Biết đến bao giờ mới được gặp nhau?
Lũng thì thẳm mà rừng thì sâu
Để hun hút nhớ nhau biền biệt
Bao nhiêu bạn bè, bao nhiêu bạn bè thân thiết
Xa nhau như xa nhau hôm nay
Thôi em đừng bẻ đốt ngón tay
Nước mắt dễ lây mà rừng thì lặng quá
Anh biết rồi bao nhiêu vất vả
Tháng năm dài cùng nhau đi qua
Để sáu bảy năm em gái xa nhà
Hăm bảy tuổi chuyện chồng con chưa nói
Có một thời trẻ trung sôi nổi
Ở bên nhau bếp lửa giữa rừng xa
Nhớ nhau, nhớ nhau ở giữa rừng già
Ngón tay nóng cầm viên thuốc mát
Cái đêm đói ngồi nghe chim đắp tát
Con chó vàng cọ chân em đòi ăn
Nhớ nhau, nhớ nhau những buổi mưa dầm
Căn nhà dột tóc em ướt hết
Anh ngồi nghĩ gì em chẳng biết
Cứ hát tràn những câu hát bâng quơ.
Nhớ trưa đỉnh đèo ta đứng ngẩn ngơ
Nhìn mây trắng chân trời ngỡ biển
Biển Đông thì xa, biển ta nhìn chẳng đến
Nhưng em vui anh kể chuyện em nghe
Trưa vác gạo ta dừng bên khe
Một đoàn tù binh đi qua đang đứng ngó
Bên những thằng người áo quần loang lổ
Bóng em lồng bóng suối trong veo
Lúc ấy lòng anh biết mấy tự hào
Tự hào vì có em ở đây, tự hào vì đất nước
Ở đây mầu hồng xiết bao thân thuộc
Xao xuyến lòng anh, xao xuyến bạn bè.
Đến chào anh sáng mai em đi
Như ngày nào chào bà con hàng xóm
Sự xa cách nhỏ trong sự xa cách lớn
Một cuộc chia tay trong triệu cuộc chia tay
Rồi ngày mai xa vắng nơi đây
Em lại có bao nhiêu đồng đội mới
Trong chiến tranh một khát khao sôi nổi
Là nhân dân đoàn tụ muôn đời
Cô bộ đội ấy đã đi rồi.
Mây biên giới
Lưu Trùng Dương
Sớm mai mây ghé chòi canh
Trưa vàng mây đến lượn quanh đàn gà
Xế chiều mây đậu vườn hoa
Đêm trăng mây lại vào nhà vấn vương
Mây nâng vó ngựa trên đường
Tím lam khói bếp mây vờn phất phơ...
Nhà ta đỉnh núi xanh lơ
Bay trong mây trắng màu cờ càng tươi
Ta thương mến cả đất trời
Nên mây núi đó cũng người tương thân
Một tà áo của nhân dân
Một cành tre nhỏ đủ làm quê hương
Những chiều biên giới mù sương
Lòng ta vẫn sáng dặm đường tuần tra...
Có bay về đến quê xa
Mây ơi, nhắn hộ người ta trông chờ!..
Biên giới Việt Lào, 1961
Nguồn: Rút từ Tiếng Việt, tiếng của thi ca, Khảo luận về thơ Việt Nam của Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Tuấn, sắp xuất bản.
www.trieuxuan.info
|